Sắp xếp lại giang sơn hôm nay không còn là việc phân chia địa giới hành chính thuần túy, mà là cuộc đại cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhằm tinh gọn biên chế, nâng cao hiệu quả điều hành, tăng tính liên kết vùng, giảm đầu mối trung gian, một việc hệ trọng chưa từng có về quy mô, phạm vi và chiều sâu từ sau năm 1975.
Nếu như sau ngày đất nước thống nhất, các đợt phân chia - sáp nhập tỉnh thành từng được tiến hành để phục vụ nhiệm vụ ổn định tổ chức, giữ vững an ninh, quốc phòng, thì lần “sắp xếp lại giang sơn” năm 2025 mang một sứ mệnh mới: Tái cấu trúc không gian phát triển quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên tăng trưởng nhanh, bền vững, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Công cuộc sắp xếp lại tổ chức hành chính lần này không đơn thuần là việc gom lại các địa phương, mà là tái thiết toàn bộ hệ thống, từ tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội đến thể chế điều hành, hành lang pháp lý và hạ tầng số hóa phục vụ công dân.
Một bộ máy tinh gọn hơn, số lượng cấp trung gian giảm đi, nhưng chất lượng điều hành và phục vụ được kỳ vọng sẽ tăng lên. Theo các chuyên gia, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã sẽ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách hằng năm, một khoản không nhỏ để tái đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ công, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa như Lai Châu.
Điều quan trọng là cùng với tổ chức lại bộ máy, các văn bản pháp luật, quy định hành chính cũng đang được rà soát, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; công nghệ số được ứng dụng mạnh mẽ trong quản trị địa phương, hướng tới chính quyền số - công dân số - xã hội số.
Là một trong những địa phương vừa chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Lai Châu đã chứng tỏ tinh thần chủ động, trách nhiệm chính trị cao trong thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Đặc biệt, việc kiện toàn cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cấp xã ngay từ thời điểm sáp nhập cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ về tổ chức, nhân sự, tư tưởng và pháp lý.
Trong ngày chính thức “bước vào vận hành” bộ máy mới, Lai Châu không chỉ thực hiện đúng kế hoạch về mặt kỹ thuật hành chính, mà còn thể hiện tinh thần chính trị vững vàng, sự đồng thuận sâu sắc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Không khí lễ công bố nghị quyết tại các địa phương trong tỉnh không chỉ là nghi lễ hành chính mà là dấu mốc của một khởi đầu - khởi đầu của quyết tâm cải cách để phát triển.
Điều đặc biệt, sự đồng thuận của người dân Lai Châu chính là một yếu tố then chốt tạo nên thành công bước đầu của quá trình này. Dù còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí là lo lắng khi bộ máy thay đổi, địa giới hành chính thay đổi, nhưng người dân đã thể hiện tinh thần gắn bó, tin tưởng vào Đảng và sẵn sàng đồng hành, đóng góp công sức cùng địa phương xây dựng chính quyền hiệu lực, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển bền vững.
“Giang sơn gấm vóc” không thể vững bền nếu thiếu lòng dân. Và bất kỳ cuộc “sắp xếp lại giang sơn” nào cũng sẽ không thành công nếu không có sự đồng hành của người dân, từ việc góp ý kiến, giám sát, đề xuất sáng kiến, cho tới việc thực hiện các chính sách và quy định mới.
Mỗi người dân Việt Nam hôm nay không chỉ gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, mà còn cần thể hiện trách nhiệm công dân: Đồng hành, giám sát, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, hành động. Đó chính là tinh thần dân chủ xã hội chủ nghĩa - nơi mà mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân không phải là một chiều, mà là sự tương tác, tin cậy và đồng thuận.
“Sắp xếp lại giang sơn” - ba từ mang hồn cốt văn hóa và khí phách chính trị Việt đã được lựa chọn để đặt tên cho một công cuộc cải cách lớn nhất từ trước tới nay. Nó không chỉ là hành động kỹ thuật trong quản lý, mà còn là biểu tượng cho một tầm nhìn dài hạn, một khát vọng phát triển và một quyết tâm đổi mới chưa từng có trong lịch sử chính trị hiện đại Việt Nam.
Ở Lai Châu, vùng đất địa đầu Tổ quốc, hành trình ấy đang bắt đầu với tinh thần mới, khí thế mới. Và chắc chắn, với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, “giang sơn” sẽ không chỉ được sắp xếp lại mà còn được nâng tầm, phát triển, thịnh vượng và bền vững hơn bao giờ hết.