Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng bộ tỉnh
Thứ năm - 02/05/2019 21:571.0920
Trong những năm qua Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn coi trọng, thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, có mặt còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ trong tình hình mới, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục chính trị.
Nhận thức rõ công tác giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Trong những năm qua Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị và đạt được những kết quả tích cực.
Công tác tổ chức quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, được các cấp uỷ xác định đây là khâu then chốt, khâu đột phá và là cơ sở để tiến hành các khâu khác trong công tác tư tưởng. Các hội nghị quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đảng từng bước được đổi mới nâng cao chất lượng và tổ chức nghiêm túc theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập nghị quyết ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị tương đối đảm bảo, trung bình mỗi đợt học tập, quán triệt nghị quyết đạt tỷ lệ đảng viên tham gia học tập từ 93% - 95% và có trên 90% công chức, viên chức, người lao động và đại diện hộ gia đình tham gia. Kết quả điều tra xã hội học hằng năm do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện có trên 90% tỷ lệ người được hỏi cho rằng việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng khá tốt, trong đó: năm 2017 là 97%; năm 2018 là 94%. Trong quá trình học tập, quán triệt nghị quyết, đa số các cấp ủy Đảng đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết cơ bản sát với tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị; phân công báo cáo viên là những đồng chí có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trực tiếp quán triệt. Một số báo cáo viên đã tích cực cải tiến phương pháp trình bày nội dung nghị quyết theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản của nghị quyết và gắn với liên hệ tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị.
Công tác tuyên truyền về nghị quyết được chú trọng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị các cấp tuyên truyền những nội dung cơ bản của nghị quyết đến Nhân dân các dân tộc, kịp thời phát hiện, phản ánh nêu gương những địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện tốt nghị quyết của Đảng.
Đặc biệt, ngày 28/8/2013 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 1327-QĐ/TU về ban hành Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng”. Việc học tập, quán triệt nghị quyết đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên, nhất là trong đổi mới nội dung và cách thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết đã từng bước đi vào chiều sâu, theo hướng giới thiệu những vấn đề mới, cơ bản, cốt lõi của nghị quyết; dành nhiều thời gian cho phần liên hệ tình hình địa phương, cơ sở và xây dựng, triển khai chương trình hành động; tăng cường trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc của học viên. Đánh giá nhận thức của đảng viên sau học tập, nghiên cứu Nghị quyết của Đảng thông qua viết thu hoạch. Phát huy khá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập nghị quyết của Đảng. Qua khảo sát thực tế, đến năm 2018 đã có 7/8 huyện, thành phố kết nối mạng Internet phục vụ học tập Nghị quyết của Đảng theo hình thức trực tuyến từ tỉnh đến xã. Trong đó, huyện Tam Đường có 13/13 xã, thị trấn; huyện Mường Tè có 12/14 xã, thị trấn; huyện Nậm Nhùn có 9/11 xã, thị trấn; các xã còn lại của các huyện, thành phố học tập trực tuyến theo cụm xã. Chất lượng học tập, quán triệt Nghị quyết được nâng lên góp phần quan trọng tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội trong tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, uốn nắn các biểu hiện nhận thức lệch lạc.
Công tác giáo dục lý luận chính trị luôn được Tỉnh uỷ và các cấp uỷ Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, cơ sở vật chất các trường, lớp học được quan tâm đầu tư, đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu mở lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Số lượng, chất lượng từng bước được nâng lên qua từng năm. Trong năm 2004 - 2005, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn song toàn tỉnh đã mở được trên 90 lớp đào tạo, bồi dưỡng các chương trình lý luận, quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế và nghiệp vụ công tác Đảng, công tác đoàn thể cho gần 7000 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Đến 2 năm 2017 và 2018 toàn tỉnh mở 479 lớp/36.726 học viên, Trường Chính trị tỉnh tại trường và phối hợp với các huyện, thành phố mở được 18 lớp trung cấp LLCT với trên 1200 học viên.
Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị tiếp tục có sự đổi mới, nâng cao, trọng tâm là: bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và học tập. Năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp tổ chức tốt lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy LLCT và kỹ năng soạn giảng giáo án điện tử cho giảng viên giảng dạy LLCT tại các Trung tâm BDCT cấp huyện và các đảng ủy trực thuộc. Trên cơ sở chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương quy định và giáo trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn. Từng chuyên đề, bài giảng đã được Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, bổ sung, cập nhật các quan điểm, nội dung mới trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII vào các chương trình giảng dạy, gắn với bổ sung những vấn đề thực tiễn của địa phương, coi trọng thảo luận, trao đổi và tổ chức cho học viên tham quan, nghiên cứu thực tế. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp biên soạn và hướng dẫn đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lời Bác dặn trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu; tài liệu pḥòng, chống tham nhũng vào chương trình, bài giảng cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tỉnh..., tính riêng năm 2018 toàn tỉnh đã có 26 lớp lồng ghép chuyên đề bồi dưỡng Học tập và làm theo lời dặn của Bác trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu với 1.696 học viên; 156 lớp lồng ghép chuyên đề phòng, chống tham nhũng với 11.613 học viên. Cùng với đó, hằng năm Tỉnh ủy chỉ đạo mở các lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ theo các chuyên đề, gắn với thông tin tình hình thời sự trong nước, thế giới và tiến trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên các cấp.
Tuy nhiên, công tác giáo dục lý luận chính trị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của một số địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc. Ý thức học tập nghị quyết của một số cán bộ, đảng viên chưa cao. Chất lượng báo cáo viên tại một số hội nghị còn hạn chế. Một số báo cáo viên nặng về thuyết trình theo đề cương của Trung ương, của tỉnh; hiện tượng báo cáo viên, nhất là báo cáo viên cấp cơ sở “đọc” đề cương còn phổ biến; không phân tích, liên hệ gắn với nhiệm vụ của địa phương. Một số hội nghị chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc thảo luận chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết. Sau khi học tập nghị việc tổ chức viết thu hoạch cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của một địa phương, đơn vị, đoàn thể còn hình thức, vẫn còn hiện tượng sao chép của nhau; chất lượng bài thu hoạch không cao, không thiết thực. Vì vậy, sau học tập, quán triệt một số cán bộ, đảng viên nắm nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của cấp ủy chưa sâu, chưa vững, còn chung chung. Việc cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tiễn ở một số địa phương đơn vị chưa phù hợp, cá biệt có địa phương còn làm theo kiểu hình thức, sao chép không thiết thực, không có tính khả thi; công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn có mặt còn hạn chế.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của một số địa phương còn hạn chế; đội ngũ giảng viên chuyên trách của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị một số huyện còn thiếu; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học một số trung tâm chưa đảm bảo. Trình độ lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để khắc phục những hạn chế trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới, đòi hỏi cấp ủy các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1327-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XII về ban hành Để án “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng”. Chú trọng, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, khắc phục tình trạng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động chung chung, không khả thi; phân công trách nhiệm rõ cho từng tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện; xác định rõ thời gian thực hiện và chế độ kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết. Tăng cường sự giám sát, giúp đỡ của cấp ủy cấp trên đối với cấp cơ sở, nhất là khu vực nông thôn trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tăng cường quản lý việc tổ chức học tập nghị quyết đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả; phát huy tốt việc sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức học tập nghị quyết của Đảng, nhất là học tập bằng hình thức trực tuyến; lựa chọn báo cáo viên có kinh nghiệm, có khả năng tổng hợp và truyền đạt tốt...
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị. Trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học lý luận chính trị theo hướng gắn lý luận với thực tiễn của trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị các huyện, thành phố. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên các trường, cơ sở đào tạo lý luận chính trị trong tỉnh. Định kỳ 02 năm/lần tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị cấp huyện, cấp tỉnh, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng hướng dẫn phát huy hiệu quả. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tăng cường công tác giáo dục cán bộ, đảng viên rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức, ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân, gần dân, sát cơ sở, luôn quan tâm chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; gương mẫu trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên cơ sở phải thực sự là tấm gương cho quần chúng noi theo./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế