Ghi nhận sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu

Thứ sáu - 28/03/2014 04:14 639 0
Sau 3 năm, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến khá sâu sắc và rõ nét. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của các xã, thôn bản đều gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ngày một đổi thay, đời sống của đồng bào các dân tộc nhanh chóng được cải thiện. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ?
Đầu tư làm kênh mương thủy lợi trên cánh đồng Mường Than - Than Uyên (Ảnh: Khắc Kiên)
Đầu tư làm kênh mương thủy lợi trên cánh đồng Mường Than - Than Uyên (Ảnh: Khắc Kiên)
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, nhằm phát triển khu vực nông thôn toàn diện, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh. Xác định được tầm quan trọng đó, ngay từ năm đầu, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều ban hành Nghị quyết để lãnh đạo thực hiện, tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và khẩn trương lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới. Qua thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình, các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực.

Những kết quả bước đầu:

Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, đề án nông thôn mới, thể hiện rõ 4 loại quy hoạch: sử dụng đất; sản xuất, điểm dân cư và trung tâm xã; phát triển kết cầu hạ tầng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà các địa phương đã huy động được nội lực trong nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới; các hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai chương trình của các cấp, các ngành từng bước đi vào ổn định và phát huy hiệu quả; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới bước đầu được phát huy.

Thông qua phong trào “Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã có hơn 130 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký ủng hộ số tiền trên 9 tỷ đồng; nhân dân tham gia đóng góp được trên 70.000 ngày công lao động, hiến trên 100.000 m2 đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa, phòng học, khai thác hàng chục nghìn m3 cát, sỏi để phục vụ làm đường giao thông; tổng vốn ngân sách đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 3 năm trên địa bàn toàn tỉnh là gần 44 tỷ đồng.


Từ sự chung sức, đồng lòng đó, sau 3 năm hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn Lai Châu từng bước đổi thay đáng kể. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển nhanh, 94/96 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó có 79 xã đã được cứng hóa mặt đường, 852/1.001 thôn bản có đường xe máy đi lại thuận tiện. Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây mới, cải tạo và nâng cấp với 250 công trình, kiên cố hóa 386 km kênh mương ở xã, cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất. hệ thống điện, thông tin được đầu tư khá nhanh, 87/96 xã có điện, trong đó có 83 xã có điện lưới quốc gia, 85% số hộ được sử dụng điện thường xuyên. Hạ tầng trường học, trạm y tế, chơ nông thôn đang được đầu tư hoàn thiện từng ngày, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, trao đổi hàng hóa, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển đổi mạnh mẽ, với nhiều giống cây, con vật nuôi mới được đưa vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ… Diện tích chè được mở rộng lên 3.273 ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 20 tấn; diện tích cây cao su không ngừng tăng lên, với 11.200 ha; các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản các loại phát triển mạnh; hình thành một số vùng sản xuất hoa, rau màu thực phẩm; cây ăn quả,... Năm 2013, sản lượng lương thực của tỉnh đạt 182 nghìn tấn, tăng hơn 60% so với năm 2004 và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn được tăng lên đáng kể, gần 9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực này cũng nhờ vậy mà giảm đi khá nhanh, từ 38,64% năm 2012 xuống còn 33,11% năm 2013.

Các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường phát triển đồng bộ, đã và đang làm chuyển biến nhận thức, tư duy, cách làm và môi trường sống của từng hộ dân, từng cộng đồng dân cư. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển, tình hình an ninh, trật tự xã hội nông thôn các xã cơ bản ổn định. Hệ thống chính trị cơ sở được quan tâm củng cố, kiện toàn; hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 01 xã đạt được 16 tiêu chí; 14 xã đã đạt được từ 10 - 14 tiêu chí; 60 xã đã đạt được từ 5 - 9 tiêu chí; và còn 21 xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 54 xã so với năm 2011).
 
15 3 14
Chung tay làm đường, sửa chữa, bảo vệ đường giao thông nông thôn

Một số vấn đề đặt ra:

Để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thực hiện được đầy đủ 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đối với các xã trong tỉnh là điều không hề đơn giản, đặt ra nhiều vấn đề khó khăn cần được tháo gỡ?

Là tỉnh nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, điều kiện địa hình phức tạp, dân cư phân tán, giao thông cách trở. Trong điều kiện xuất phát điểm nền kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, điện, cơ sở vật chất giáo dục vùng sâu, vùng xa… Chất lượng giáo dục, chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống văn hóa, hoạt động thông tin, phát thanh truyền hình về cơ sở hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, nguy cơ tái nghèo lớn. Trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, giữa các vùng, các dân tộc không đồng đều; nguồn nhân lực chưa đảm bảo chất lượng; tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn khá nặng nề, hạn chế trong ý thức tự vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất rất thấp. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở còn bất cập, trình độ, năng lực cán bộ cơ sở còn yếu. Tình hình an ninh trật tự một số địa bàn còn phức tạp, nhất là hoạt động lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do, tệ nạn xã hội…

Trong khi xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, mang tính toàn diện để phát triển khu vực nông thôn, là việc làm lâu dài và khó khăn. Những yêu cầu về chỉ tiêu đạt được của Chương trình là rất cao, một số tiêu chí như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân, cơ cấu lao động… cần phải có thời gian dài mới có thể đạt được, trong điều kiện thực hiện của tỉnh hạn chế, thiếu nguồn lực, thời gian ngắn và những vấn đề hạn chế như đã nêu.
 
14 3 14
Bà con nông dân ở nhiều nơi trên địa bản tỉnh có thu nhập ổn định từ làm công nhân các công ty cao su

Những việc cần tập trung hiện nay:

Để thực hiện được mục tiêu Chương trình của tỉnh “Đến năm 2015 có 16 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 38 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới”, bên cạnh những quyết tâm chính trị của các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội thì vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là phải tiếp tục dồn sức tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng tầm nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, để mọi người nhận thấy được yêu cầu, nhiệm vụ và quyền lợi, thấy được xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống mới cho chính mình và để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, đảm bảo công bằng xã hội; làm cho đồng bào các dân tộc hiểu rõ đây là công việc của mình và chính họ là chủ thể trong tất cả các khâu. Khi người dân thật sự làm chủ, được bàn bạc, quyết định những vấn đề của thôn bản, xã thì sẽ khắc phục được tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, vào cấp trên, họ sẽ tích cực đóng góp tiền của, công sức, đồng thời nhân dân cũng là người tổ chức và sử dụng có hiệu quả các công trình, tránh được tình trạng lãng phí, tiêu cực.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ đơn thuần là xây dựng kết cấu hạ tầng, mà còn phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh, bảo đảm phát triển bền vững cho vùng nông thôn. Do đó, đòi hỏi một nguồn lực rất to lớn có tính tổng hợp của toàn xã hội, đặc biệt là nguồn tài chính. Với điều kiện tỉnh ta, để tránh đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả cần xác định những lĩnh vực, nội dung trọng tâm đầu tư như: phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, nước sạch,…

Mặt khác, cần xác định được nội dung cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là cơ cấu lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn, phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cơ sở cần phải trực tiếp vào cuộc, nghiên cứu, thử nghiệm để tìm hướng chuyển đổi, tìm ra cách làm, cách sản xuất và thậm chí cả đầu ra sản phẩm - thị trường tiêu thụ cho người nông dân.

Bên cạnh đó, để thực hiện thành công các tiêu chí khối lượng công việc của các cấp, ngành, địa phương là rất lớn, bộn bề và khó khăn. Nhưng cũng không vì vậy mà trở nên nôn nóng, lúng túng hay chạy theo thành tích. Vấn đề là phải vạch ra được lộ trình cụ thể, căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế của địa phương để lựa chọn, ưu tiên. Trên thực tế, các xã trong tỉnh phần lớn đều thuộc diện xã nghèo, thiếu vốn để triển khai, nhưng không vì thế mà chịu dừng lại, không thực hiện được chương trình. Vấn đề trước mắt là cần phải lựa chọn những tiêu chí ít vốn, hoặc không cần vốn để tập trung chỉ đạo thực hiện như các tiêu chí về văn hóa - xã hội, môi trường, xây dựng hệ thống chính trị; đối với các tiêu chí khó, cần nhiều vốn thì ngoài việc huy động các nguồn lực, cần biết vận dụng, kết hợp với các chương trình đầu tư, hỗ trợ phát triển khác của Nhà nước.

Đây có thể là nhưng vấn đề không mới, nhưng nếu được các cấp ủy, chính quyền, nhất là cơ sở quan tâm thì sẽ hệ thống hóa quá trình triển khai thực hiện Chương trình một cách khoa học hơn. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, đặc biệt là khi phát huy được vai trò chủ thể của mỗi người dân, tin rằng Lai Châu sẽ hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra, nhằm tạo sự phát triển nhanh, bền vững cho nông thôn địa phương miền núi, góp phần cơ bản đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển./.

Tác giả: Hà Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 5733 | lượt tải:112

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 5377 | lượt tải:118

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 6370 | lượt tải:168

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 6318 | lượt tải:134

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 7543 | lượt tải:271
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay13,643
  • Tháng hiện tại222,960
  • Tháng trước10,542,355
  • Tổng lượt truy cập35,252,567
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down