Tại các khu vực truyền thống như Đông Nam Bộ hay Tây Nguyên thì cây cao su đã xuất hiện từ lâu đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên trên địa bàn huyện Sìn Hồ nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung cây cao su là loại cây mới, chính vì vậy việc trồng và phát triển cây cao su bước đầu gặp không ít khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu mới bắt tay vào triển khai trồng, Giám đốc Nông trường Cao su Lùng Thàng Hoàng Văn Cảnh chia sẻ: “Khi thực hiện Dự án, công tác phối hợp giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền của 2 xã: Lùng Thàng và Nậm Tăm vấp phải sự phản đối của người dân trong việc tham gia góp đất quy chủ, khai hoang trồng mới. Nguyên nhân cũng là do nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và một số cán bộ địa phương còn hạn chế, phong tục tập quán sản xuất còn lạc hậu, chưa hiểu được giá trị cũng như hiệu quả kinh tế mà cây cao su mang lại. Chúng tôi đã nhiều lần cử cán bộ xuống từng vùng, từng gia đình phân tích, giải thích, đưa ra những lợi ích từ cây cao su. Người dân khi góp đất được nhận tiền đền bù, được hưởng lợi mủ cao su sau này, con em được tham gia làm công nhân cho đơn vị…. Mưa dầm thấu lâu, dần dần bà con cũng đã hiểu và cùng với đơn vị cùng góp sức trồng cây cao su”.
Với những nỗ lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn ban đầu, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nông trường với các địa phương đến nay diện tích cây cao su đã không ngừng được mở rộng và phát triển xanh tốt. Qua đó đã tạo được công ăn việc làm cho các hộ đồng bào dân tộc, trong đó ưu tiên các hộ tham gia góp đất trồng cao su. Tuy nhiên, diện tích vườn cây của Đơn vị phân bổ rộng trên khắp các bản của hai xã này với địa hình đồi núi dốc, chia cắt, xen kẽ các khe suối, ruộng nước. Thời gian qua, một bộ phận người dân thường thả rông gia súc phá hoại vườn cây còn phổ biến nhiều. Trước tình hình đó, Nông trường đã phối hợp chính quyền địa phương cùng với trưởng thôn, bản tổ chức họp bản tuyên truyền về lợi ích cây cao su mang lại. Ở mỗi buổi trò chuyện, người dân lại hiểu rõ hơn từ việc góp đất để liên kết trồng cây cao su theo với những hưởng lợi nhận được như: tiền đền bù đất, tham gia làm công nhân… Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Nông trường đã cử cán bộ tham gia tổ chức trên 100 buổi họp bản, 20 buổi họp xã. Thông qua đó, Nông trường đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những suy nghĩ, vướng mắc để cùng nhau giải quyết. Cũng tại các buổi họp đó, cấp ủy, chính quyền xã cũng cử cán bộ ở ban, ngành, đoàn thể cùng bàn bạc đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ vườn cây đồng thời đề xuất những vấn đề liên quan trực tiếp đến cây cao su. Tại mỗi buổi họp, những nội dung xung quanh về công tác quản lý, bảo vệ vườn cây cao su trên địa bàn đã được các bản bổ sung vào bản hương ước. Đồng thời mỗi gia đình đều ký cam kết trong nội dung hương ước, quy ước giữa bản với xã và đơn vị về vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển cao su.
Ông Phàn A Lỵ - Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ cho biết: “Vào mỗi mùa khô hanh, mùa đốt nương của bà con, Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy rừng của địa phương cùng với các đơn vị cao su của Nông trường xác định các điểm nguy cơ cháy cao. Qua đó tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát, bố trí canh gác 24/24 giờ, liên lạc định kỳ với nhau để trao đổi thông tin tình hình. Với phương châm phòng là chính nên vài năm trở lại đây không có vụ cháy nào xảy ra”.
Cán bộ Nông trường Cao hướng dẫn người lao động chăm sóc cây cao su
Ngoài ra, lực lượng Thanh tra bảo vệ của Nông trường cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, dân quân tự vệ các xã triển khai các phương án bảo vệ vườn cây như: tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp phá hoại vườn cây, trộm cắp tài sản vật tư... Đồng thời Nông trường cũng thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn quản lý cho cán bộ cũng như lực lượng bảo vệ nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ vườn cây. Chú trọng hơn nữa tu sửa hàng rào, xác định các khu vực khó khăn, xung yếu để có giải pháp tăng cường quản lý bảo vệ. Cùng với đó, thực hiện ký hợp đồng giao khoán toàn bộ 900ha vườn cây cho người lao động. Qua đó nâng cao tinh thần gắn liền trách nhiệm của người lao động đối với vườn cây một cách sát thực nhât.
Cũng từ việc đồng sức các cấp, ngành, địa phương, nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây cao su mà 5 năm qua, cây cao su đã và đang dần bén dễ xanh tốt tại các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ. Kể từ đây, loại cây công nghiệp mới này đang mở hướng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nơi vùng đồng bào các dân tộc địa phương.
Nông trường đang quản lý trên 900ha cây cao su, ký cam kết bảo vệ cây cao su với 12/12 bản có diện tích trồng. Nông trường đã biên chế lực lượng bảo vệ 10 người, dân quân tự vệ là 22 người thường xuyên tuần tra, bảo vệ diện tích cây cao su. |