Giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU về giảm nghèo nhanh và bền vững
Chủ nhật - 20/04/2014 04:144430
Ngày 20/4/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015, sau 3 năm triển khai thực hiện với sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, sáng tạo của chính quyền, sự nỗ lực, phấn đấu của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực:
Sau khi Nghị quyết được ban hành đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai tổ chức thực hiện, được đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đón nhận, đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.
Tỉnh đã phê duyệt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015 và ban hành một số chính sách đặc thù về giảm nghèo để tổ chức thực hiện. Sau 3 năm triển khai thực hiện 4/5 mục tiêu của Nghị quyết đạt và vượt: giảm nghèo hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra (trung bình giảm 6,52%, NQ 4-5%); giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho hộ nghèo (hết năm 2011 toàn tỉnh đã làm nhà ở cho 6.771 hộ, đạt chỉ tiêu NQ); tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng nông thôn mới (UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2020; hoàn thành việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 96/96 xã, đang tiến hành triển khai thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới); tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tập huấn, huấn luyện (tính đến hết năm 2013, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh là 36,4%, ước thực hiện đến năm 2015 là 40,5%, NQ 40%; trong 3 năm, đã tạo việc làm mới cho 18.219 lao động, ước cả giai đoạn 2011-2015 tạo việc làm mới cho trên 30 nghìn lao động, vượt so với Nghị quyết). góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân các xã nghèo, đã cải thiện đáng kể diện mạo nghèo đói ở các xã đặc biệt khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, so với yêu cầu về các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết vẫn còn một số nội dung chưa đạt được: Công tác xoá đói, giảm nghèo tuy đạt kết quả khá nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, hộ cận nghèo lớn, tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn xảy ra. Công tác phối hợp trong chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và các tổ chức chính trị, xã hội chưa chặt chẽ. Một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa vào cuộc một cách tích cực; một số chính sách hỗ trợ trực tiếp đã tạo ra sự trông chờ, ỷ lại của người nghèo vào sự hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng; chưa huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ hoặc huy động chưa tương xứng với tiềm năng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên một mặt do khách quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, chưa chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch và chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết; đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo không ổn định, một số chưa phát huy hết vai trò tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện; việc đánh giá hiệu quả các mô hình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo chưa thường xuyên, kịp thời đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chỉ đạo, điều hành.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định trong chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp pháp sau:
(1) Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 20/4/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XII) về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015, các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
(2) Thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ cho hộ nghèo; trọng tâm là thực hiện các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, giáo dục đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí để giảm nghèo nhanh và bền vững. Đi đôi với việc hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với phương án tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
(3) Huy động và tập trung các nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo với phương châm Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân cùng làm. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nguồn vốn tài trợ quốc tế để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.
(4) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương trong công tác xoá đói, giảm nghèo. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân tự giác vươn lên thoát nghèo.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế