Theo thống kê của Sở Y tế, hiện này toàn tỉnh ta đang có 299 bác sĩ các hạng với tỷ lệ là 7,2 bác sĩ trên 1 vạn dân. Con số này nếu đem so với năm 2004 khi tỉnh mới chia tách có thể thấy số lượng và tỉ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân của tỉnh ta tăng khá nhanh (2004 khi chia tách toàn tỉnh có 80 bác sĩ với tỷ lệ khoảng 3 bác sĩ trên 1 vạn dân). Cùng với số lượng hàng trăm bác sĩ vẫn đang được đào tạo theo các hệ (cử tuyển, chuyên tu) và sẽ ra trường trong những năm tiếp là điều đáng mừng của ngành y nói riêng và tỉnh ta nói chung.
Tuy nhiên, có một vấn đề đã xảy ra khiến cho lãnh đạo ngành y chưa kịp mừng đã vội lo; đó là hiện tượng bác sĩ bỏ việc, bỏ bằng, chuyển về xuôi hoặc không về nhận công tác sau khi học xong. Theo số liệu mà ngành này cung cấp, từ 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có 23 bác sĩ học các hệ chuyên tu, cử tuyển đã chuyển công tác, bỏ việc hoặc học xong không về nhận công tác. Đây là điều kiện lãnh đạo ngành y lo lắng về nguy cơ chảy máu chất xám của ngành mình.
Có vài nguyên nhân được lãnh đạo Sở Y tế xác định dẫn đến tình trạng trên đó là do chế độ thu hút, thu nhập và cơ chế chuyển ngạch, bậc, thăng hạng cho bác sĩ sau khi học xong. Theo phân tích của lãnh đạo ngành y tế, một người để trở thành bác sĩ đa khoa, sau đó là chuyên khoa phải mất rất nhiều thời gian. Thế nhưng đến khi về công tác chúng ta không có chế độ thu hút cho họ. Đã thế việc xã hội hoá công tác y tế ở ta chưa phát triển nên việc làm thêm kiếm thêm thu nhập hầu như không có. Bên cạnh đó hiện nay chúng ta đang vướng mắc về cơ chế nên rất nhiều bác sĩ khi học xong ra trường chưa được quan tâm chuyển ngạch, nâng bậc. Nhiều người làm chức trách nhiệm vụ của bác sĩ nhưng chỉ được hưởng mức lương, phụ cấp của y tá… Trong khi đó các tỉnh dưới xuôi và lân cận (theo như khảo sát của ngành) có chế độ thu hút bác sĩ khá cao, bác sĩ học xong ra trường vừa được một khoản tiền để ổn định đời sống vừa được xếp bậc, nâng ngạch, hạng ngay. Hơn thế nữa, ở các tỉnh này, bác sĩ có điều kiên làm ngoài kiếm thêm vì công tác xã hội hoá y tế ở đó phát triển mạnh. Chính những vẫn đề trên đã ảnh hưởng tư tưởng của đội ngũ cán bộ của ta, cũng vì vậy mà nhiều người đã cố tìm cách để xin được chuyển về xuôi, thậm chí có nhiều người xin chuyển không được thì sẵn sàng bỏ việc.
Hiện nay toàn tỉnh có trên 80 bác sĩ đã học xong hệ liên thông ra trường về công tác nhưng chưa được chuyển ngạch, nâng bậc do vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Đó chỉ là đội ngũ bác sĩ, còn lại 17 ngạch khác do Sở Y tế quản lý cũng đang vướng mắc vấn đề như trên. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và khiến đội ngũ bác sĩ thiếu yên tâm khi công tác.
Bác sĩ bệnh viên đa khoa tỉnh khám bệnh cho người dân xã Thu Lũm
Theo lãnh đạo Sở Y tế, giải pháp trước mắt để giải quyết vấn đề trên là tỉnh cần có cơ chế cụ thể để thu hút đội ngũ bác sĩ về công tác. Giải quyết nhanh việc chuyển ngạch, nâng bậc cho lực lượng bác sĩ đã học xong đang phục vụ tại các cơ sở y tế của tỉnh như đã nêu trên. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá y tế nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho cán bộ ngành y… Có vậy mới động viên được phần nào tinh thần của cán bộ đặc biệt đội ngũ bác sĩ.
Hiện nay, ngành y tế đã có quy định và bắt buộc cán bộ khi đi học phải cam kết sau khi ra trường phục vụ cho tỉnh tối thiểu là 5 năm và Sở Y tế sẽ quản lý bằng cấp của đội ngũ này. Đối với đội ngũ sinh viên đi học cử tuyển Sở cũng quản lý bằng cấp đề tránh thất thoát cán bộ. Vì đây là những đối tượng được tỉnh trả lương và hỗ trợ kinh phí đào tạo. Tuy nhiên, về lâu dài cần tăng cường đào tạo cán bộ y bác sĩ là người địa phương bằng các hình thức đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ. Chính những lực lượng này sau khi học xong tư tưởng quay về phục vụ cho địa phương mình nhiều hơn. Đối với những người đang công tác tại các cơ sở y tế hiện nay cần tạo điều kiện cho đi học bằng cách rút ngắn quy định thời gian công tác và xét thoáng hơn trong quy định khác. Đồng thời tỉnh nên có cơ chế hỗ trợ cho những đối tượng này khi họ đi học giúp họ giảm bớt khó khăn. Chỉ có vậy mới giải quyết được vấn đề trên một cách lâu dài và sự nghiệp y tế của tỉnh mới phát triển bền vững được./.