Trong 5 năm qua, viêc thực hiện Đề án 258, Chỉ thị số 1958, Luật giám định tư pháp, UBND tỉnh đã triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức. bồi dưỡng, phổ biến kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên tư pháp và người giám định theo vụ việc, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả hoạt động trong công tác giám định, đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định của tổ chức và công dân.
Tính đến 5/2015, tổng số giám định viên tư pháp của tỉnh là 28 người (tăng 7 người so với năm 2010), người giám định tư pháp theo vụ việc của tỉnh là 38 người. Về cơ bản, các giám định viên đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu của công tác giám định.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức giám định thực hiện hoạt động giám định các vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra từ năm 2010 đến năm 2014 đã giám định được gần 3.200 vụ việc (trong đó, chủ yếu là giám định về các chất ma túy, chiếm gần 74%). Trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí hoạt động của các tổ chức giám định, Trung tâm giám định (Sở Y tế), Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) từng bước được quan tâm, đầu tư như máy giám định định lượng chất ma túy, hóa học, tài liệu, hệ thống khoan cưa sọ não, tủ sấy dụng cụ, máy điện tim…
Công tác kiểm tra về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp đã được Ban chỉ đạo Đề án 258 cấp tỉnh quan tâm, thực hiện đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và nội dung theo kế hoạch đề ra. Kết luận giám định cơ bản đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hoạt động giám sát tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Đoàn đến kiểm tra tại Trung tâm giám định tỉnh
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trung tướng Đỗ Kim Tuyến đánh giá cao những nỗ lực tỉnh Lai Châu đã triển khai trong 5 năm qua về thực hiện Đề án 258. Bên cạnh những hạn chế cần khắc phục, đồng chí nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giám định trong thời gian tới, đó là tiếp tục quan tâm tới Luật triển khai Giám định tư pháp và các luật liên quan để nâng cao trình độ hiểu biết cho nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Rà soát, đánh giá lại đội ngũ Giám định viên, y công, giúp việc cho đội ngũ kỹ thuật phù hợp, đảm bảo với yêu cầu công việc. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiêp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định. Nâng cao chất lượng giám định…
Thay mặt UBND tỉnh đồng chí Tống Thanh Hải - TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn Đoàn kiểm tra và mong muốn trong thời gian tới tỉnh Lai Châu tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban chỉ đạo và các Bộ ngành Trung ương để công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Trước đó, Đoàn đã có buổi làm việc và kiểm tra thực tế tại Trung tâm Giám định (Sở Y tế) và Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh)./.