Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ bạo lực của cách mạng để trấn áp tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Để làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh, các tổ chức “Đội tự vệ đỏ”, “Ban Công tác đội” và “Đội danh dự trừ gian”, “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” lần lượt ra đời - đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam được đánh dấu bằng sư kiện Ngày 19/8/1945, khi cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc.
Ra đời trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, tuy còn non trẻ song lực lượng Công an đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, dựa vào Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để tuyên truyền vận động nhân dân hăng hái tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, các loại phản động và tội phạm, bảo vệ an toàn Lễ tuyên ngôn độc lập (02/9/1945), bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự đe dọa của thù trong, giặc ngoài trong tình thế đất nước “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng CAND đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, đoàn, hội kháng chiến, tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo, tổ chức vận động Nhân dân, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho nhân dân, bưng bít tai mắt quân thù... Lực lượng Công an luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt, đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động gián điệp, do thám của thực dân Pháp xâm lược; đập tan âm mưu hoạt động đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của các thế lực tay sai phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân; đấu tranh bài trừ lưu manh, trộm cướp, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống của nhân dân. Góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954).
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Lực lượng Công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo tổ chức vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trấn áp bọn phản động, trừng trị bọn ác ôn, bẻ gãy các đợt tấn công, phá tan nhiều kế hoạch tình báo của địch; thực hiện tốt công tác điệp báo góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Lực lượng Công an nhân dân tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), lực lượng CAND đã chủ động phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp an ninh, quốc phòng với kinh tế, đối ngoại; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; chủ động tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Lực lượng CAND đã chủ động đổi mới và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, đối sách thích hợp để bảo vệ an ninh quốc gia; vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ; giữ vững ổn định chính trị, không để bị động, bất ngờ; không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa; không để xảy ra khủng bố, phá hoại; xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, không để lan rộng, kéo dài; tránh sơ hở để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền, kích động chống phá gây phương hại đến an ninh quốc gia. Chú trọng vận dụng sáng tạo các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, đổi mới phương thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, tập trung đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mới, tội phạm tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại; tội phạm ma tuý, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao và tệ nạn xã hội; kiềm chê gia tăng tội phạm, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, duy trì các hoạt động bình thường của xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Lực lượng Công an cũng đã sớm tham mưu với Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong toàn quốc thành phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, phối hợp tham mưu, tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào phát triển khá sâu rộng, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể. Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến được nhân rộng trong toàn quốc. Phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước lãnh đạo tỉnh tặng Huân chương
Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho các tập thể Công an Lai Châu
tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Công an tỉnh
Cùng với sự hình thành và phát triển của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Công an Lai Châu được thành lập ngày 10-01-1953, Ban Cán sự Đảng tỉnh quyết định thành lập Ty Công an Lai Châu. Trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, từ lúc ban đầu chỉ có 25 cán bộ, chiến sỹ, đến nay lực lượng Công an Lai Châu đã lớn mạnh về mọi mặt, 35% cán bộ chiến sỹ có trình độ đại học, cao đẳng; 24,4% cán bộ chiến sỹ có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể thường xuyên được chăm lo, củng cố theo hướng tinh gọn, hướng về cơ sở, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, cho công an các huyện, thành phố. Đội ngũ cán bộ, chiến sỹ thường xuyên được đào tạo, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực công tác. Các phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”; “CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”; “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”… thực sự đã trở thành động lực thúc đẩy các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an Lai Châu từng bước tiến lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong công tác đảm bảo an ninh chính trị và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước khác, tạo ra nhiều chuyển biến mới trong công tác an ninh trật tự của tỉnh.
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là dịp để cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo; các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phối hợp, giúp đỡ lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Lực lượng CAND tiếp tục phát huy truyền thông vẻ vang, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, nêu cao tinh thần “chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, tiếp tục siết chặt đội ngũ, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.