Nghị định quy định về nhiều nội dung mới như: quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới; xác thực tài khoản người dùng Internet; giám sát, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Trong đó, quy định yêu cầu lưu trữ, xác thực thông tin của người sử dụng mạng xã hội bằng số điện thoại di động hoặc số định danh cá nhân. Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin và chia sẻ thông tin.
Đây là quy định phù hợp trong bối cảnh hiện nay để ngăn chặn, xử lý các tài khoản đăng tải các thông tin giả, sai sự thật, nhảm nhí, vi phạm thuần phong mỹ tục hay thậm chí có nội dung xuyên tạc, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tuyên truyền chống phá đất nước.
Vậy mà, những ngày qua nhiều báo đài thiếu thiện chí, các trang mạng của những tổ chức, cá nhân chống phá liên tục đăng tải các bài viết để xuyên tạc về Nghị định 147 cho rằng đó là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Đây là luận điệu theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”.
Trước hết phải khẳng định rằng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định 147) không chỉ có những chính sách mới (quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới; xác thực tài khoản người dùng Internet; giám sát, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng; yêu cầu lưu trữ, xác thực thông tin của người sử dụng mạng xã hội bằng số điện thoại di động hoặc số định danh cá nhân…) mà còn sẽ làm thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam. Sự ra đời của Nghị định này là nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, để tung tin giả và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; là nhằm sàng lọc nội dung xấu độc để không chỉ bảo vệ thông tin người dùng, mà còn góp phần xây dựng và thúc đẩy một không gian số trách nhiệm, năng động và tích cực. Đồng thời, Nghị định 147 cũng quy định không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản mạng xã hội… nhằm tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực thông tin điện tử, chứ đó không phải là “cái nghị định khóa mồm dân tộc Việt Nam” và “xiết chặt hơn Internet”.
Khi ban hành Nghị định 147, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã “làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan”- đó là “người dùng phải xác thực, chịu trách nhiệm về các nội dung, thông tin của mình thì các nền tảng cũng phải có những biện pháp bảo vệ thông tin, tránh lộ lọt dữ liệu, đảm bảo lợi ích và sự an toàn cho khách hàng”. Hơn nữa, Nghị định 147 quy định phạm vi áp dụng bao gồm toàn bộ các tổ chức, cá nhân ở cả trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet, nên Nghị định 147 là cơ sở để quản lý chặt chẽ, hiệu quả và đảm bảo cho một xã hội số minh bạch, lành mạnh và bình đẳng.
Nghị đinh 147 cũng quy định rõ việc bảo đảm người sử dụng dịch vụ có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác… Vì thế, bất cứ cá nhân, tổ chức nào không vi phạm các quy định của Nghị định này; không “đối lập với đảng cộng sản” để lan truyền thông tin bịa đặt, xấu độc chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì việc gì phải phản đối, phải xuyên tạc mục đích, nội dung, ý nghĩa của Nghị định 147?
Nghị định 147 được ban hành đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp… ủng hộ, đón nhận, bởi Nghị định này không hề “bóp nghẹt” tiếng nói của người dân trên mạng xã hội; cũng không vi phạm quyền con người, quyền tự do ngôn luận khiến người dân sống trong sợ hãi, mà những quy định của Nghị định này chính là hành lang pháp lý để quản lý hoạt động của đại lý Internet, điểm truy nhập Internet công cộng, thiết lập cơ chế quản lý tên miền quốc gia “.vn”… nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, cho doanh nghiệp, cho an ninh quốc gia và đảm bảo sự minh bạch trên không gian mạng.
Ở Việt Nam, chỉ khi nhân danh tự do ngôn luận để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của Nghị định 147 thì mới bị xử lý. Cho nên nếu tổ chức, cá nhân nào không phải “núp sau bàn phím để chống đối” thì can cớ gì lại giãy giụa, kêu la phản đối, trong khi thiên hạ bình lặng, vui vẻ đón chờ Nghị định 147 với 84 điều quy định rõ ràng. Có một điều rất lạ là, việc quy định phải xác thực tài khoản mạng xã hội của Nghị định 147 là để làm giảm thiểu sự giả mạo, ẩn danh; hạn chế các thông tin xấu độc, không chính xác, lừa đảo trực tuyến… vốn là bình thường, được người dân ủng hộ thì các thế lực thù địch (thường xuyên đăng tải các thông tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Việt Nam) lại cứ giãy lên như đỉa phải vôi!
Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân luôn được bảo đảm, bảo vệ, thực thi theo Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam. Những quy định của Hiến pháp, pháp luật, các văn bản dưới luật (trong đó có Nghị định 147) đều bảo đảm, bảo vệ quyền con người; quyền tự do ngôn luận của người dân, tổ chức… và tuân thủ theo Điều 19, khoản 3 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị - Đó là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận cũng đồng thời “có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”. Hơn nữa, việc áp dụng theo Điều 19, khoản 3 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị này không phải chỉ có Việt Nam mà có Hàn Quốc, 1 số nước EU, Nga, Trung Quốc… cũng đã và đang áp dụng.
Tự do ngôn luận ở Việt Nam luôn được bảo đảm trên phương diện pháp luật, trên thực tế (tính đến đầu năm 2024, cả nước ta có khoảng 78,44 triệu người sử dụng internet và 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội (73,3% dân số), thuộc tốp 20 thế giới) cũng như phù hợp với các văn bản pháp luật quốc tế có liên quan.
Cho nên, nếu các tổ chức, cá nhân nếu không đăng tải những phát ngôn tùy tiện, sai lệch sự thật, vi phạm pháp luật, gây bức xúc dự luận, ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác hay đe dọa lợi ích của quốc gia - dân tộc của Việt Nam thì chả có gì phải sợ Nghị định 147, chẳng có gì phải xuyên tạc và bôi đen Nghị định này!.