Lai Châu: 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác thanh niên
Thứ tư - 09/05/2018 03:032.0160
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả tích cực.
Tính đến hết tháng 12/2017, tỉnh Lai Châu hiện có 123.840 thanh niên (chiếm khoảng 29,2% dân số), trong đó thanh niên dân tộc thiểu số chiếm 81,7%. Quán triệt và thực hiện quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 25-NQ/TW “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”, những năm qua công tác thanh niên trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Trung ương Đoàn, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tạo điều kiện để thanh niên tham gia phát triển kinh tế, nâng cao trình độ, được cống hiến sức trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, chuyên đề, kỹ năng cho cán bộ đoàn, đoàn viên, đội ngũ tuyên truyền viên (đã phối hợp mở 17 lớp/1.440 lượt cán bộ, đoàn viên, thanh niên); chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn từng bước được chuẩn hóa, trẻ hóa (đến nay, cán bộ đoàn cấp huyện có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học và trên đại học). Chú trọng công tác quy hoạch, tạo nguồn, luân chuyển cán bộ đoàn trưởng thành, nhiều cán bộ đoàn đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tín nhiệm, bổ nhiệm giữ những vị trí quan trọng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các cấp bộ Đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm; truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ thanh niên, đặc biệt là đối tượng học sinh phổ thông, sinh viên với nhiều hình thức phong phú: liên hệ cơ sở thực tập cho sinh viên; giới thiệu việc làm thêm và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường; thí điểm tổ chức các câu lạc bộ hướng nghiệp, giúp học sinh chọn ngành nghề, trường phù hợp với khả năng, trình độ (đã tư vấn, hướng nghiệp cho trên 25.000 đoàn viên, thanh niên; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho gần 5.000 đoàn viên, thanh niên). Đặc biệt là chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” được triển khai đa dạng với các hoạt động truyền thông, tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; tổ chức tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; vận động thanh niên liên kết sản xuất kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm làm giàu. Hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế thông qua các nguồn vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, Ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức kinh tế-xã hội và hình thức góp vốn trong đoàn viên, thanh niên (đến nay, tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội qua tổ chức Đoàn đạt trên 366 tỷ đồng; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn 80 triệu đồng; nguồn vốn vay phát triển kinh tế cụm miền núi Tây Bắc bộ 100 triệu đồng)…kết quả, toàn tỉnh có trên 210 mô hình thanh niên làm kinh tế có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, thành lập và duy trì hoạt động 30 Hợp tác xã thanh niên, trong đó nhiều thanh niên đã được nhận giải thưởng Lương Định Của, điển hình như: Giàng A Cháng (huyện Tam Đường), Nguyễn Văn Thiện, Cứ A Hùng (huyện Than Uyên), Vùi Văn Quyền, Nguyễn Hữu Kiên (Thành phố Lai Châu).
Chú trọng công tác phát hiện, tuyên dương, hỗ trợ, động viên và bồi dưỡng tài năng trẻ, gương mặt trẻ triển vọng. Triển khai nhiều phong trào, hội thi, giải thưởng sáng tạo thiết thực hiệu quả như: phong trào “Sáng tạo trẻ”, “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng”, “Hội thi sáng tạo kỹ thuật” do Trung ương Đoàn, tỉnh tổ chức…qua đó thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực của thanh niên, nhất là thanh niên công chức, viên chức, giảng viên trẻ, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, góp phần khơi nguồn và thúc đẩy đam mê sáng tạo của thanh niên (tiểu biểu như: Nguyễn Văn Trường, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự-kinh tế-ma túy (Công an huyện Tân Uyên), Hoàng Xuân Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Mường So (huyện Phong Thổ), Bí thư đoàn xã Hà Văn Ruệ (huyện Nậm Nhùn) nhận giải thưởng cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc).
Xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện. Đã tổ chức nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thanh niên (các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 3.182 hội thi, hội diễn văn nghệ/417.759 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; 305 hoạt động thể dục, thể thao/68.633 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia). Gắn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, hội diễn văn hóa, văn nghệ, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, gặp mặt truyền thống, tọa đàm, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”…với các đợt sinh hoạt chính trị nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, Đội và các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, qua đó nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Triển khai có hiệu quả các hoạt động tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, với nhiều mô hình, hình thức: chương trình Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”, mô hình cổng trường an toàn, bến đò ngang an toàn (Tỉnh đoàn và 8/8 huyện, thành đoàn đã ký kết chương trình phối hợp với công an cùng cấp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông)…tạo sự chuyển biến về ý thức tham gia giao thông của đoàn viên, thanh niên (toàn tỉnh đã tổ chức 440 hoạt động, thu hút trên 110.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; gắn biển 45 tuyến đường thanh niên tự quản; duy trì 158 cổng trường an toàn giao thông, 03 bến đò ngang an toàn). Củng cố, xây dựng và phát triển các mô hình, phong trào phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tổ chức cho thanh thiếu niên tham gia các chiến dịch, các đợt cao điểm phòng chống ma túy, mại dâm, đồng thời phối hợp phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giúp đỡ người phạm tội hoàn lương ở cộng đồng dân cư; cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến (đã có 64 đoàn xã, phường, thị trấn triển khai, giúp đỡ 166 thanh thiếu niên chậm tiến trở nên tiến bộ).
Phối hợp với các cấp, các ngành trong quản lý Nhà nước về công tác thanh niên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tổ quốc…cổ vũ thanh niên vươn lên trong học tập, rèn luyện lập thân, lập nghiệp; tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Đoàn, các tổ chức thanh niên đối với việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về thanh niên, công tác thanh niên. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng tổ chức Đoàn tại cơ sở còn hạn chế; hiệu quả một số phong trào, mô hình, chương trình hoạt động của Đoàn thiếu chiều sâu, chưa thu hút tập hợp thanh niên tham gia; công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vốn vay cho thanh niên nhất là khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong độ tuổi thanh niên còn cao; tình trạng vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên khá phức tạp.
Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện năm quan điểm chỉ đạo, chín nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 25-NQ/TW, trong đó chú trọng: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng nâng cao đạo đức cách mạng, lối sống văn hoá, ý thức chấp hành pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ Lai Châu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn các cấp, chất lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong tham gia xây dựng Đảng vững mạnh thông qua việc chủ động tham mưu, đề xuất cho Đảng về công tác thanh niên, công tác quy hoạch, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất để giới thiệu vào cấp ủy. Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có cơ chế, chính sách giúp Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên nâng cao hơn nữa chất lượng, sức hấp dẫn của các phong trào, thu hút đông đảo thanh niên tham gia, tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên rèn luyện, phấn đấu, vươn lên trong học tập, lao động, sáng tạo. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế