Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018
Thứ sáu - 29/12/2017 04:007260
Trong 2 ngày (28 - 29/12), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính Phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo.
Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng chí Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các Phó Thủ tướng Chính Phủ, các Bộ ngành cơ quan Trung ương…
Tại điểm cầu tỉnh ta có đổng chí Nguyễn Khắc Chử - Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Văn Hoàn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh dự Hội nghị.
Sau bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu đã được nghe Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. Năm 2017, đã đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. Về phát triển kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Tín dụng tăng khoảng 19%. Năm 2017 xuất khẩu ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%. Cả nước có gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký kinh doanh tăng 45,4% và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,9%...
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. Báo cáo. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết đề ra 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2018.
Ngoài ra, tại hội nghị này, các đại biểu nghe các báo cáo tóm tắt về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; Tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; Kết quả thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; Kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.
Tại Hội nghị, các địa phương và Bộ, ngành đã tập trung thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, từ đó thống nhất, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đồng thời ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội của năm 2017; lần đầu tiên sau nhiều năm, toàn bộ 13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra đã hoàn thành, một số chỉ tiêu được thực hiện vượt mức. Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Bộ, ban, ngành các địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn.Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập Quốc tế…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cần vận dụng đà phát triển của năm 2017, thúc đẩy 1 chương trình phát triển kinh tế xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra trong năm 2018 và cả nhiệm kỳ. Tinh thần này sẽ được thực hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung rà soát, hoàn thiện các thể chế kinh tế, tăng cường đối thoại lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình để chỉ đạo kịp thời và có cơ chế khen thưởng, xử lý cán bộ; Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh; đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao đời sống nhân dân, chăm lo tết cho người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước…/.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế