Xác định công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến tiến độ xây dựng và hoàn thành của dự án. Để lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20/4/2011 về lãnh đạo công tác di dân tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu, với quan điểm chỉ đạo coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành đồng bộ, chặt chẽ của các cấp chính quyền; phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các lực lượng, các thành phần kinh tế tham gia công tác di dân, tái định cư.
Mục tiêu đặt ra là công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu phải tạo được các điều kiện để đồng bào tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, trên cơ sở khai thác tiềm năng và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; cuộc sống vật chất, tinh thần đồng bào từng bước tốt hơn nơi ở cũ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đến nay với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể Nhân dân và ngành chức năng, công tác di dân tái định cư thủy điện Lai Châu cơ bản đảm bảo kế hoạch, tiến độ đề ra. 6/6 khu, điểm tái định cư đã được lập, phê duyệt, đảm bảo khả năng xây dựng công trình hạ tầng và bố trí chỗ ở cho toàn bộ hộ dân tái định cư. Nhìn chung, việc quy hoạch các khu, điểm tái định cư đều có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương, cơ bản đảm bảo tính bền vững và ổn định lâu dài, phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa từng dân tộc, bảo vệ môi trường, sinh thái. Tại các khu, điểm tái định cư các công trình hạ tầng thiết yêu như rãnh thoát nước, đường, điện, nước sinh hoạt đã cơ bản hoàn thành; các công trình phúc lợi công cộng (nhà văn hóa, trường học, trụ sở, trạm xá xã…) được khởi công xây dựng và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, để sớm hoàn thành phục vụ đời sống, sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân. Các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đầu đi và đầu đến đã được tính toán đầy đủ, giám sát chặt chẽ quá trình kiểm đếm; phương án, nội dung bồi thường, hỗ trợ, mức hỗ trợ được niêm yết công khai… nên việc giải ngân diễn ra khá thuận lợi, đến nay đã thực hiện được gần 90% so với tổng mức phương án được duyêt. Công tác di chuyển dân cơ bản đảm bảo tiến độ, kế hoạch, an toàn và đã đạt được trên 70% tổng số hộ tái định cư.
Thi công hợp long ngăn sống Đà đợt 1
Tuy nhiên, để hoàn thành việc di chuyển dân đến nơi ở mới trong năm 2014 và nhanh chóng ổn định cuộc sống cho đồng bào theo mục tiêu Nghị quyết đề ra, chúng ta vẫn còn gặp không ít những khó khăn. Trước hết, xét về tiến độ của công trình đòi hỏi sự cấp thiết về mặt thời gian; từ khi khơi công đến nay, công trình được Ban quản lý Dự án, các nhà thầu triển khai xây dựng với tinh thần khẩn trương, khoa học và chất lượng, không những bảo đảm về tiến độ mà còn vượt trước gần một năm so với kế hoạch. Vì vậy, theo dự kiến công trình sẽ tổ chức ngăn sông Đà đợt 2 trong tháng 11 này; nút cống dẫn dòng (tích nước) vào giữa năm 2015 và phát điện tổ máy số 1 vào đầu năm 2016. Điều này đồng nghĩa với công tác di dân tái định cư cần phải tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và thực hiện khẩn trương hơn.
Thứ hai, Mường Tè và Nậm Nhùn là 2 huyện thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới; địa hình dốc, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; đất đai rộng nhưng thiếu đất sản xuất; xa các trung tâm kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn thấp kém, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, phần lớn là tự cấp, tự túc; tỷ lệ hộ đói nghèo cao; trình độ dân trí và chất lượng lao động thấp. Khi đầu tư công trình thủy điện Lai Châu, diện tích đất bị thu hồi để làm hồ chứa nước và mặt bằng công trình lớn (4.962,6 ha); trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 2 huyện thấp. Các hộ di dân, tái định cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số... Là những vấn đề khó khăn cho công tác quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cho người dân.
Thứ ba, Đồng bào tái định cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái gắn với sản xuất lúa nước, cuộc sống gắn với sông, suối rất lâu đời. Đất của đồng bào nhường chỗ cho Dự án thủy điện rất lớn và đây cũng là những khu vực màu mỡ nhất, với cơ cấu đất ở 39 ha; đất ruộng nước 323 ha; đất nương rẫy 371 ha; đất lâm nghiệp 2.545 ha; đất sông suối, bãi bồi 1.636 ha. Đây là vấn đề khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động trong bố trí chỗ ở, phương án sản xuất làm sao để đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với tập quán, điều kiện sống và sản xuất và được đồng bào chấp thuận.
Thứ tư, quá trình di chuyển dân đồng thời với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư và xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, phúc lợi công cộng, trong đó nhiều công trình vẫn đang phải tích cực thi công như mặt bằng, đường vào điểm tái định cư, đường nội bộ, nước, điện sinh hoạt, đường giao thông nội đồng, công trình thủy lợi… Đó là chưa kể việc lập quy hoạch chi tiết một số điểm tái định cư chậm, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; tiến độ lập một số dự án đầu tư chậm, dẫn đến thi công công trình chậm, không đúng với kế hoạch di dân. Đây là những vấn đề mang lại khó khăn của sự bề bộn, ảnh hưởng đến tiến độ di chuyển, làm nhà nơi ở mới cũng như hoạt động sản xuất của đồng bào.
Một vấn đề khác cũng tạo nên những cản trở là quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số điểm làm chậm, vẫn xảy ra thiếu chính xác, khi để sai sót chưa khắc phục kịp thời. Một số cán bộ làm công tác quản lý tái định cư thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong việc lập thủ tục bồi thường, công khai phương án; chậm nghiệm thu và làm thủ tục thanh quyết toán vốn. Cùng với một số văn bản quy định về chính sách, bồi thường hỗ trợ tái định cư của Nhà nước chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, như chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi thu hồi đất ruộng, hỗ trợ lương thực; cấp ủy, chính quyền một số điểm tái định cư thiếu sâu sát, để đối tượng xấu lợi dụng, xúi giục kích động các hộ tái định cư gây mất an ninh trật tự trên địa bàn… Gây khó khăn, cản trở trong việc tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện công tác di dân, tái định cư.
Một góc khu tái định cư Thị trấn Mường Tè
Từ những vấn đề đó, để hoàn thành công tác di dân tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu trong năm 2014 đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để Nhân dân nắm vững và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về di dân tái định cư của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở tại các khu, điểm tái định cư đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thi công tập trung lực lượng, thiết bị thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các công trình giao thông, cấp nước, cấp điện bảo đảm kịp thời, chất lượng để Nhân dân sớm ổn định đời sống, yên tâm định cư. Đẩy nhanh việc giao đất, giao rừng cho các hộ tái định cư tại nơi ở mới; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo chi trả, thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ tái định cư cho người dân. Bàn giao và tổ chức quản lý tốt các công trình tại các khu, điểm tái định cư sau đầu tư, bảo đảm sử dụng hiệu quả, lâu dài. Nắm chắc tình hình tư tưởng Nhân dân vùng tái định cư, kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh cũng như kiến nghị chính đáng, phù hợp với pháp luật của Nhân dân liên quan đến công tác tái định cư; đồng thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về di dân tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu.
Di dân tái định cư là vấn đề xã hội lớn, nhưng khi chúng ta đảm bảo được hài hòa giữa lợi ích và truyền thống đoàn kết các dân tộc, đoàn kết giữa đồng bào sở tại và đồng bào tái định cư, phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc; phát huy được bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái; xã hội đồng thuận, đồng bào hiểu đúng, tự vươn lên khắc phục khó khăn; đời sống của đồng bào tái định cư sớm ổn định và có điều kiện để sinh sống, phát triển bền vững;… thì vấn đề xã hội đó có lớn, có khó đến mấy chúng ta vẫn có thể giải quyết được. Với quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, công tác di dân tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi trong năm 2014./.