Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin - những thử thách cho Lai Châu
Thứ hai - 20/10/2014 23:051.2090
Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, thay thế Chỉ thị số 58 được ban hành năm 2000. Với nhiều định hướng phát triển phù hợp thực tiễn phát triển đất nước, Nghị quyết khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Việc nâng tầm từ Chỉ thị lên Nghị quyết thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị và lãnh đạo Đảng đối với vai trò của CNTT, khẳng định vai trò ngành CNTT là chủ công trong đời sống xã hội, phù hợp với thời đại. Đây sẽ là kim chỉ nam trong thời kỳ phát triển mới của CNTT-TT Việt Nam, Nghị quyết nhấn mạnh: “… Ứng dụng, phát triển CNTT là một yếu tố quan trọng bảo đảm thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, cần chú trọng ưu tiên trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần được đi trước một bước trên cơ sở quản lý tốt…”.
Với mục tiêu chung đến năm 2030 là: CNTT phải được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người Việt Nam và nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT, dịch vụ CNTT đạt trình độ tiên tiến thế giới.
Nghị quyết yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ ứng dụng, phát triển CNTT vào kế hoạch công tác dài hạn và hằng năm, gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra rõ ràng phù hợp hơn với thực tiễn phát triển của đất nước trong điều kiện mới. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện thành công nghị quyết ở nhiều địa phương, cụ thể như Lai Châu sẽ gặp phải không ít những thử thách, khó khăn. Theo Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, theo mức độ ứng dụng tổng thể và 6 nhóm tiêu chí thì Lai Châu đang đứng ở vị trí hết sức khiêm tốn, cụ thể như sau:
Xếp hạng mức độ Ứng dụng CNTT tổng thể của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Lai Châu ở vị trí thứ 62/63; Xếp hạng theo tiêu chí thành phần về Hạ tầng kỹ thuật CNTT là 62/63; Xếp hạng theo tiêu chí thành phần về Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ là 62/63; Xếp hạng theo tiêu chí thành phần về Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp là 42/63; Xếp hạng theo tiêu chí thành phần về Website/Portal (cung cấp thông tin, chức năng hỗ trợ người sử dụng và công tác quản lý) là 43/63; Xếp hạng theo tiêu chí thành phần về Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 19/63 (tuy nhiên trong tiêu chí này, điểm tối đa là: 160, Lai Châu cũng mới chỉ đạt: 27,30); Xếp hạng theo tiêu chí thành phần về Xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT là 62/63; Xếp hạng theo tiêu chí thành phần về Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT là 63/63.
Nhìn từ mức độ xếp hạng các tiêu chí cho thấy, trong những năm qua mặc dù chúng ta đã có những nỗ lực, cố gắng trong phát triển, ứng dụng CNTT nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung theo chiều rộng, gần như tất cả các hạng mục ứng dụng CNTT, đặc biệt là triển khai ứng dụng, xây dựng cơ chế chính sách và nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT còn gặp rất nhiều khó khăn. Hạ tầng kỷ thuật CNTT được quan tâm đầu tư nhưng thiếu đồng bộ với toàn hệ thống và nguồn nhân lực triển khai, vận hành. Việc triển khai ứng dụng trong hoạt động quản lý, điều hành (ứng dụng nội bộ) còn nhiều bất cập, nhất là ứng dụng tại hệ thống bộ phận một cửa, quản lý văn bản điều hành, trao đổi văn bản điện tử, sử dụng thư điện tử và một số ứng dụng cơ bản như quản lý khoa học, quản lý khiếu nại tố cáo,... Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và việc khai thác sử dụng dịch vụ được cung cấp chưa cao (chưa có nhiều người sử dụng và số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến thấp). Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin còn nhiều hạn chế, sơ hở; nhiều hạng mục chưa được triển khai. Trình độ ứng dụng CNTT của một số lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa có chính sách thu hút và tuyển dụng cán bộ có trình độ cao về CNTT vào các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các huyện, thành phố và các ngành.
Thực trạng trên cho thấy, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị là một văn kiện kịp thời và hết sức cần thiết cho sự phát triển ứng dụng CNTT của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm cho đội ngũ này hiểu được vai trò, tầm quan trọng của CNTT đối với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tại địa phương.
Tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và người dân có được nhận thức đúng đắn về vai trò, tác dụng của việc sử dụng, ứng dụng CNTT vào thực tiễn công tác cũng như trong cuộc sống.
Ưu tiên đầu tư phát triển CNTT theo các cấp độ khác nhau để phù hợp với từng vùng đặc thù của tỉnh, đối với các vùng đô thị cần tiếp tục đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đối với vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa trước mắt nên đầu từ theo chiều rộng. Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về CNTT, nhất là trong phát triển các phần mềm ứng dụng quản lý hành chính công, dịch vụ công trực tuyến, cải cách hành chính… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong công tác đầu tư, khai thác kinh doanh hoạt động thông tin và truyền thông đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Tổ chức điều tra, đánh giá đúng thực trạng năng lực nguồn nhân lực CNTT, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực CNTT bảo đảm số lượng hợp lý và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu thực tế của tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực CNTT cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các xã phường biên giới; chú trọng đội ngũ học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên. Có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các cán bộ, công chức viên chức làm việc trong lĩnh vực thông tin - truyền thông. Áp dụng các chính sách đào tạo, đãi ngộ đối với đội ngũ chuyên gia quản lý, kinh tế, kỹ thuật giỏi, thu hút cán bộ có chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT.
Đầu tư xây dựng giải pháp kỹ thuật để bảo vệ an ninh, an toàn mạng lưới thông tin - truyền thông nhằm hạn chế tối đã khả năng xâm nhập trái phép và truyền tin trái phép trên hệ thống mạng thông tin của tỉnh. Tập trung nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT trên địa bàn toàn tỉnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nhanh chóng phát huy hiệu quả.
Thực hiện được các giải pháp này sẽ góp phần tạo lập và khẳng định vị trí, vai trò của việc ứng dụng, phát triển CNTT trong quá trình phát triển của tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, đưa CNTT thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới;… góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế