Chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh
Thứ năm - 18/12/2014 21:351.5890
Sau 5 năm triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 292-TB/TW, ngày 18/12/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được các cấp, các ngành và toàn xã hội tích cực hưởng ứng, tạo điều kiện cho các nạn nhân từng bước ổn định cuộc sống, vượt qua bệnh tật, khó khăn vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Thực hiện Thông báo Kết luận số 292-TB/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chú trọng giải quyết các chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến và nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam... qua đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và các tổ chức, cá nhân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp đỡ các nạn nhân ở địa phương; nêu gương kịp thời những người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân có tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ, ủng hộ vật chất, tinh thần, đồng thời biểu dương những nạn nhân đã vượt qua bệnh tật, khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng (hiện toàn tỉnh có 7.535 người có công với cách mạng, trong đó nạn nhân chất độc da cam là 152 người; số người có công và thân nhân của người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 458 định suất, trong đó có 93 suất của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam).
Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tổ chức xét duyệt hồ sơ và khám giám định cho người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học; giải quyết kịp thời các hồ sơ đề nghị công nhận, nhất là các vướng mắc khi lập hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với nạn nhân nhiễm chất độc, bị phơi nhiễm chất độc da cam theo đúng quy định, đảm bảo không có hồ sơ tồn đọng và thực hiện chi trả đầy đủ theo quy định. Hiện tỉnh đã công nhận và chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 127 người hoạt động kháng chiến, 25 con của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, 16 người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên (năm 2010: 77 người/759.986.000 đồng; năm 2011: 109 người/1.403.952.000 đồng; năm 2012: 107 người/1.919.387.000 đồng; năm 2013: 116 người/2.233.338.000 đồng; đến tháng 9/2014: 152 người/1.920.433.000 đồng. Trợ cấp đối với người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên từ ngày 01/9/2012 đến 31/10/2014 cho: 18 người/509.920.000 đồng). Từ nguồn vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh và thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa cho người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học: 33 nhà/1.385.000.000 đồng.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, tết và ngày Thương binh - Liệt sỹ bằng sự tự nguyện và tấm lòng biết ơn đối với những người đã hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc (5 năm qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành đã đi thăm, tặng quà những người có công với cách mạng, trong đó có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam với 14.428 suất/5.795 triệu đồng, trong đó nạn nhân chất độc da cam tặng 160 suất/70 triệu đồng). Từ năm 2010-2014, đã thực hiện vận động quyên góp thông qua “Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam” trên 480 triệu đồng; hỗ trợ phát triển kinh tế 1.190 triệu đồng; hỗ trợ làm nhà tình thương 80 triệu đồng; hỗ trợ đời sống 49,5 triệu đồng; duy trì 02 dự án bò sinh sản tại huyện Than Uyên, Tân Uyên với kinh phí 320 triệu đồng; thăm và tặng quà trị giá hàng trăm triệu đồng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam theo Thông báo Kết luận số 292-TB/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, quán triệt một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc da cam ở một số địa phương chưa được triển khai kịp thời. Chưa thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam, vì vậy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chưa toàn diện (do số lượng đối tượng trên địa bàn tỉnh ít). Công tác vận động ủng hộ “Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam” kết quả đạt được còn hạn chế; năng lực chuyên môn của cán bộ làm chính sách tại xã, phường không đồng đều, thiếu biên chế nên việc triển khai làm hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ ở một số địa phương còn chậm. Một số trường hợp tham gia hoạt động kháng chiến nhưng không còn giữ được các giấy tờ gốc chứng minh tham gia hoạt động tại các chiến trường bị rải chất độc hóa học nên việc giải quyết chính sách gặp nhiều khó khăn. Để tiếp tục thực hiện tốt Thông báo Kết luận số 292-TB/TW của Ban Bí thư, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, nhất là Thông báo Kết luận số 292-TB/TW của Ban Bí thư, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam. Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện và lồng ghép công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với từng địa phương, đơn vị; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên hỗ trợ, phối hợp với chính quyền nhằm thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Tăng cường năng lực và đầu tư xây dựng, mở rộng Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam. Thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam cấp tỉnh và các huyện, thành phố nơi có điều kiện thành lập Hội. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động và huy động toàn dân tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; tuyên truyền nhân rộng các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ, những mô hình chăm sóc có hiệu quả.../.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế