Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Ngày 10/11/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015, sau 3 năm triển khai thực hiện với sự lãnh đạo quyết liệt của các cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền, sự nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức đã đạt được những kết quả tích cực:
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, phân công đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách, chỉ đạo thực hiện; đồng thời tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng để quán triệt đến toàn thể các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ chủ chốt các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố và đảng ủy trực thuộc. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền đã xây dựng chương trình kế hoạch, tổ chức triển khai, quán triệt, học tập Nghị quyết. 100% các tổ chức đảng, 95% đảng viên, trên 90% cán bộ, công chức đã được học tập, tiếp thu Nghị quyết, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, cán bộ, đảng viên đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo tinh thần của Nghị quyết.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đạt được những kết quả quan trọng, số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã qua đào tạo, bồi dưỡng hằng năm ngày càng tăng, đã góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực, có tư duy khoa học sáng tạo, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu, có tính kế thừa hợp lý, từng bước thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ và đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh quy hoạch; thúc đẩy phong trào tự học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên của cán bộ, công chức (Cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý: Trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng 3,6%; Lý luận chính trị cử nhân, cao cấp tăng 3,0%. Cán bộ là trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh: Trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng 13,5%; Lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng 30,6%. Công chức cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh: Trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng 6,5%; Lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng 18,7%. Cán bộ trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện: Trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng 22,5%; Lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng 39,5%. Công chức cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện: Trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng 4,2%; Lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng 31%. Cán bộ cấp xã có trình độ văn hóa trung học phổ thông tăng 14,9%; trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên tăng 18,6%; trình độ trung cấp lý luận chính trị tăng 21,9%. Công chức cấp xã có trình độ văn hóa trung học phổ thông tăng 30,1%; trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên tăng 41%; lý luận chính trị tăng 13% so với năm 2010). Điều đáng phấn khởi là từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đào tạo 194 thạc sỹ, đạt 97% so với mục tiêu Nghị quyết; 07 tiến sỹ, vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết đề ra.
Tuy nhiên, so với yêu cầu về các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết vẫn còn một số nội dung chưa đạt được: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa sát với tình hình thực tế, thiếu tính toàn diện, không kịp thời bổ sung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cả giai đoạn và từng năm, do đó thiếu chủ động trong việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn dàn trải, chậm đổi mới, chậm bổ sung, cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ, công chức. Điều kiện vật chất, kỹ thuật của một số cơ sở đào tạo tuy đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên là do: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị chưa sâu sắc, chưa toàn diện; chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; chưa gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với quy hoạch và sử dụng cán bộ; việc chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, thiếu sự chủ động tạo nguồn từ xa. Đa số cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn tối thiểu (nhất là trình độ văn hoá). Thiếu cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đầu ngành; một số giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo có mặt còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là về kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được các cấp ủy đảng, chính quyền xác định trong chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, cần tập trung thực hiện một số giải pháp pháp sau: (1) Nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. (2) Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý. (3) Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức đi học và thu hút những người tình nguyện đến Lai Châu công tác. (4) Tiếp tục đầu tư các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (5) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng./.
Tác giả: Quang Chung (Văn phòng)