Trước đây bà con ở bản Lùng Than Chung Chải, xã Tả Lèng chỉ biết đến nghề trồng lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, khi được trưởng bản thông báo Trung tâm Dạy nghề của huyện sẽ mở lớp nuôi ong tại bản bà con ai cũng phấn khởi vui mừng. Mà nói như trưởng bản Lù A Hảng: “Hàng ngày bà con thường đem các nông sản xuống chợ thành phố Lai Châu bán nên thấy nhiều người bảo nghề nuôi ong ở thành phố phát triển mạnh, lợi nhuận thu về cao. Một đàn ong giống loại tốt có giá từ 700 - 1 triệu đồng/đàn, 1 lít mật bán ra thị trường với giá 200 nghìn đồng. Nên khi có thông báo, bà con ai cũng đăng ký tham gia”. Với phương châm “cầm tay chỉ việc” các giáo viên của Trung tâm dạy nghề huyện đã hướng dẫn nhân dân phương pháp chọn điểm nuôi ong, đặt thùng, cách chống nóng, chống rét cho đàn on đến kỹ thuật lấy mật. Nhờ nắm chắc được các kiến thức, sau khi kết thúc lớp học nhiều hộ mạnh dạn chuyển sang nuôi ong.
Anh Thảo A Sang ở bản Lùng Than Chung Chải chia sẻ: “Qua lớp nuôi ong, tôi thấy nuôi ong không khó, quan trọng là phải nắm được kỹ thuật nuôi, nhất là kỹ thuật nhân đàn. Thấy nhiều hộ nuôi hiệu quả, gia đình đang dồn tiền mua đàn ong về nuôi, hy vọng nghề nuôi ong sẽ đem lại nhuận cao cho gia đình”.
Những năm qua, mặc dù được thành lập muộn hơn so với các Trung tâm khác nhưng Trung tâm Dạy nghề huyện Tam Đường luôn đáp ứng tốt dạy và học nghề cho lao động nông thôn. Với phương châm “Đào tạo đúng đối tượng và chọn lọc ngành nghề sát thực tế”, hằng năm Trung tâm đã kết hợp với UBND các xã thị trấn khảo sát số lao động chưa qua đào tạo, nhu cầu, lĩnh vực đào tạo để lựa chọn loại hình đào tạo nghề hiệu quả. Mở rộng ngành nghề, hướng tới các nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Nhờ vậy, trong 3 năm qua Trung tâm đã mở được 35 lớp với tổng số 1.070 học viên. Sau khi tham gia học xong các lớp đào tạo nghề cơ bản các học viên đều nắm được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng phát triển kinh tế trong gia đình, tạo thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc - VINACOMIN tuyển sinh được 32 học viên về học và bố trí việc làm tại Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam; giới thiệu cho tổng Công ty sông đà 7 được 15 công nhân vào làm việc cho công ty đến nay đã có công ăn việc làm có mức thu nhập ổn định.
Cái được lớn nhất qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tân Uyên chính là tỷ lệ lao động tự tạo được việc làm sau khi học nghề đạt cao. Sau khi kết thúc các lớp đào tạo nghề, các mô hình thí điểm đã được nhân dân ứng dụng vào thực tế, nâng cao hiệu quả đầu tư giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động góp phần ổn định cuộc sống. Điển hình như ở xã Hố Mít, trước đây một số bản vùng cao do tập quán sản xuất chưa biết tận dụng nguồn nước cũng như nắm kỹ thuật trồng lúa nước nên diện tích đất canh tác bị bỏ hoang nhiều. Hay như việc chăn nuôi gia cầm của đồng bào Mông nơi đây chỉ mang tính nhỏ lẻ, tự phát thì nay thông qua các lớp dạy nghề ngắn hạn nhân dân đã biết vận dụng kiến thức khai hoang trồng lúa nước. Ngoài ra bà con còn biết cách chọn giống, phòng trừ bệnh trên gia súc, gia cầm, đầu tư nuôi theo mô hình lớn, tập trung hơn. Cũng từ việc dạy nghề chăn nuôi gia cầm, đến nay nhân dân ở bản Choom Chăng (Thân Thuộc) đã thành thục trong lựa chọn giống nuôi, cách cho ăn, thay rơm, vệ sinh máng, vệ sinh chuồng trại…
Giảng viên của Trung tâm Dạy nghề huyện Than Uyên
hướng dẫn học viên kỹ thuật trồng nấm
Cũng từ các lớp dạy nghề, bà con ở bản Én Nọi, xã Mường Than (huyện Than Uyên) đã biết sản xuất nấm sò, nấm rơm. Nhờ sự thay đổi tư duy trong lao động sản xuất nhiều hộ đầu tư làm nhà trồng nấm, mua giống nấm tự sản xuất tại gia đình trừ chi phí thu lãi 20 - 20 triệu đồng. Với việc tổ chức các lớp học nghề theo hình thức dạy lưu động tại các xã, bản Trung tâm dạy nghề huyện Phong Thổ tổ chức mở lớp dạy nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cạo mủ và bảo quản mủ cao su cho bà con ở các xã Hoàng Thèn, Ma Ly Pho, Khổng Lào, Huổi Luông.
Trao đổi với chúng tôi về những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ - TTg của Chính phủ trên, đồng chí Nùng Văn Nim - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh đã đưa ra những con số khá “ấn tượng”: trong 5 năm mở được 100 lớp nghề cho 3.049 lao động của 95 thôn bản thuộc 59 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố. Qua các lớp đào tạo nghề, đã có 80% lao động nông thôn sau khi học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, tiết kiệm được chi phí sản xuất (5 - 10%), hiệu quả thu nhập tăng (10 - 20%). Có được kết quả này, các Trung tâm Dạy nghề ở các huyện thường xuyên phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề đến tất cả các tầng lớp lao động ở cơ sở.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh - xã hội, Đề án 1956 còn kéo dài đến năm 2020, vì vậy để công tác dạy nghề phát huy hiệu quả. Thời gian tới, các cơ sở đào tạo nghề cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người trong độ tuổi lao động tích cực tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, tư vấn cho người lao động những ngành nghề phù hợp và các chính sách cụ thể đối với từng đối tượng học nghề. Có như vậy mới giúp giúp người lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu một cách bền vững./.