Triển khai kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2007
Thứ sáu - 10/03/2017 02:533740
“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm...”, đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo ATTP năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017 do Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh tổ chức ngày 8/3.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin Kết quả công tác đảm bảo ATTP năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 trên địa bàn tỉnh; Tổng hợp tình hình ngộ độc thực phẩm (rượu Methanol) tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ. Theo đó, năm 2016 công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động thông tin tuyên truyền được tăng cường dưới nhiều hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì giúp ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật. Chỉ tính riêng ngành y tế đã phối hợp thanh kiểm tra, giám sát được 9.736/6.643 lượt cơ sở (đạt 146% kế hoạch); ngành nông nghiệp kiểm tra, đánh giá xếp loại 572/773 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính trên 200 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa vi phạm gần 300 triệu đồng. Nhờ đó, sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề ATTP ngày càng nhiều. Nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, người kinh doanh dịch vụ ăn uống được nâng lên rõ rệt. Tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh từng bước được kiểm soát. Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm từ 4 vụ (năm 2015) xuống còn 3 vụ (2016), không có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, công tác xác nhận sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn và cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn còn nhiều hạn chế; công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm về ATTP ở một số huyện, xã chưa nghiêm; bếp ăn tập thể của các trường học nhất là các trường bán trú ở vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư; công tác truyền thông mới chỉ tập trung ở thị trấn, thị tứ và những nơi tập trung đông dân cư chưa đi sâu vào từng nhóm đối tượng, vào vùng xa, khó khăn.
Trên cơ sở đó, năm 2017 tỉnh ta tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng thống kê các cơ sở theo từng tuyến, từng ngành, theo phân cấp quản lý; Ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về ATTP giữa 3 ngành y tế - công thương – nông nghiệp và phát triển nông thôn; tuyên truyền quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn tới người tiêu dùng; đẩy mạnh các biện pháp về công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Về vụ việc ngộ độc thực phẩm (rượu Methanol) tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở, các sở ngành, lực lượng chức năng có liên quan đã tích cực vào cuộc điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả. Sở y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh, trung tâm y tế huyện Phong Thổ, phòng khám đa khoa khu vực Dào San, Trạm y tế xã Ma Ly Chải thiết lập 3 tuyến cấp cứu, phối hợp với quân y Đoàn kinh tế quốc phòng 305 tăng cường giám sát, phát hiện các ca ngộ độc, khẩn trương phân loại người bệnh để cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời. Tính đến chiều ngày 26/2/2017, có 10 người tử vong, 150 người phải điều trị nội trú và nằm theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, Trung tâm y tế huyện Phong Thổ và Trạm y tế xã Ma Ly Chải. Sau khi được các y bác sỹ cấp cứu, chăm sóc tận tình đã có 148 bệnh nhân ra viện.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học rút ra sau vụ việc ngộ độc thực phẩm ở Ma Ly Chải. Một số đại biểu đề nghị: tỉnh ta nghiên cứu hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai thảm họa trong đó có diễn tập phòng chống ngộ độc thực phẩm; cấp bổ sung thêm tét thử nhanh các mẫu thực phẩm; phân cấp rõ ràng trách nhiệm quản lý vệ sinh ATTP; tăng cường sự phối hợp giữa các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP; nâng cao trách nhiệm quản lý của Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP cấp xã phường; huy động sự vào cuộc nhiều hơn nữa của lực lượng biên phòng trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh nhấn mạnh: Để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2017 và thời gian tiếp theo, hạn chế tối đa số người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố cần tập trung thực hiện tốt 7 nội dung. Đó là, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP thuộc ngành, địa phương phụ trách khi để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại xã Ma Ly Chải. Đồng thời, coi đây là bài học đắt giá trong chỉ đạo điều hành, phối hợp, triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP và khắc phục hậu quả sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP đến toàn dân. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ATTP các cấp. Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP, phải cương quyết xử lý đối với những cơ sở vi phạm nhằm từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm như pháp luật đã quy định./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế