Triển khai kế hoạch năm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp
Thứ hai - 13/02/2017 02:533550
Hội nghị trực tuyến được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai sáng nay (10/2). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đồng chủ trì Hội nghị.
Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Hà Văn Um - TUV, Giám đốc Sở NN&PTNT, đại diện lãnh đạo một số sở ban ngành đoàn thể tỉnh, các phòng ban, chi cục trực thuộc Sở NN&PTNT.
Năm 2016 được Bộ NN&PTNT chọn là năm cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Bộ đã ban hành 8 kế hoạch, 4 Chỉ thị, 1 công điện để chỉ đạo các Tổng cục, Cục chuyên ngành, các tỉnh, thành phố triển khai. Chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động phối hợp liên ngành với Bộ Công thương, Bộ y tế trong triển khai các chương trình phối hợp quản lý, kiểm soát, ngăn chặn lạm dụng hóa chất công nghiệp, kháng sinh y tế trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm ATTP nông lâm thủy sản cũng được tăng cường. Nhờ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức ở các cấp, các địa phương và người dân.
Các cơ quan trung ương và địa phương phát hiện, xử lý 3.877 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giống cây trồng giống vật nuôi vi phạm quy định về chất lượng ATTP với tổng số tiền xử phạt hành chính là 21.946 triệu đồng; phát hiện, xử lý 1.923 cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản vi phạm quy định ATTP với tổng số tiền xử phạt hành chính 6.692 triệu đồng. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP tăng lên 91,68% (tăng 12,4% so với năm 2015, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra).
Tuy nhiên, chưa ngăn chặn giảm thiểu rõ nét tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm trồng trọt, tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi nuôi trồng thủy sản; tốc độ nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn còn chậm.
Năm 2017 tiếp tục được Bộ NN&PTNT chọn là năm cao điểm hành động về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp với 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Bộ phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, tồn dư hóa chất kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản, ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 10% so với năm 2016.
Đối với tỉnh ta, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai nghiêm túc. Sở NN&PTNT đã tăng cường chỉ đạo công tác lấy mẫu thực phẩm phân tích các chỉ tiêu đảm bảo vệ sinh ATTP. Năm 2016 tổng số mẫu được lấy nhiều hơn gấp 10 lần so với năm 2015. Các cơ quan chuyên ngành trực thuộc Sở và UBND các huyện, thành phố cũng tiến hành tổ chức, kiểm tra đánh giá xếp loại được 572 cơ sở. Kết quả, 124 cơ sở xếp loại A (chiếm 21,7%), 407 cơ sở xếp loại B (chiếm 71,2%), 22 cơ sở xếp loại C (chiếm 3,8%, giảm 7,3% so với năm 2015).
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị tập trung chia sẻ kinh nghiệm hay trong việc triển khai thực hiện năm cao điểm hành động về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương. Một số đại biểu kiến nghị: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xem xét trình chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế hiện nay.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP đến người dân tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản an toàn. Phối hợp quảng bá nông sản thực phẩm an toàn “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới”. Tăng cường giám sát kiểm tra thanh tra xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm ATTP và tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Từ đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế