Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2018 đạt 15,68%/năm

Thứ năm - 27/09/2018 22:28 1.422 0
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh trong gần 3 năm qua, kinh tế của tỉnh phát triển khá, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khá nhanh, bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 15,68%/năm, vượt Nghị quyết đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt 31,4 triệu đồng/năm, tăng 1,72 lần so với năm 2015, đạt 78,5% mục tiêu Nghị quyết.
Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khá nhanh, bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 15,68%/năm, vượt Nghị quyết đề ra
Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khá nhanh, bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 15,68%/năm, vượt Nghị quyết đề ra
Xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng điểm của nhiệm kỳ, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách sát với thực tiễn và điều kiện của địa phương. Đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; mở rộng các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp với người dân; tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển, mở rộng một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Lúa, chè, cao su, quế, mắc ca, nuôi trồng thủy sản. Xây dựng và đăng ký thương hiệu cho một số sản phẩm hàng hóa như: Chè Tam Đường, Tân Uyên; gạo Tẻ râu Phong Thổ, gạo Séng cù Than Uyên.

Sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực đều tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Nhiều chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp ước đến hết năm 2018 đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết như, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 216 nghìn tấn, vượt 8% Nghị quyết; tổng diện tích cây chè 5.895 ha, vượt 31% Nghị quyết, tăng 2.394 ha so với năm 2015; đưa vào khai thác mủ 3.445 ha, sản lượng mủ khô ước đạt 2.850 tấn; đẩy mạnh phát triển cây mắc ca đạt diện tích 1.798 ha, 1.937 ha sơn tra, 6.066 ha quế. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân đạt 4-5%/năm, đến cuối năm 2017 tổng đàn gia súc đạt trên 349 nghìn con. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, tăng cả về diện tích và sản lượng, duy trì phát triển các cơ sở nuôi cá nước lạnh, phát triển mới một số điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ các thủy điện. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện có hiệu quả; trồng mới 8.604 ha rừng, vượt 25,5% Nghị quyết; tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 ước đạt 49,11%, tăng 3,7 điểm % so với năm 2015.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân. Dự ước đến hết năm 2018, bình quân mỗi xã đạt 13,67 tiêu chí nông thôn mới, tăng 2,59 tiêu chí so với cuối năm 2015; có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 15 xã so với năm 2015), chiếm 31,3% số xã.

Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 2010) giai đoạn 2016-2018 ước đạt 10.211 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 32,6%/năm. Công nghiệp khai thác, sản xuất các loại vật liệu xây dựng phát triển khá, có quy mô hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Công nghiệp chế biến gắn với các vùng nguyên liệu từng bước được đầu tư và phát triển với việc cấp chủ trương đầu tư: Nhà máy chế biến mủ cao su tại vùng thấp Sìn Hồ; Nhà máy chế biến chè và trồng Chè tại huyện Sìn Hồ; Nhà máy chế biến Mắc Ca tại huyện Phong Thổ.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra, năm 2018 ước đạt 2.100 tỷ đồng, vượt 5% mục tiêu Nghị quyết Đại hội, tăng 2,16 lần so với năm 2015. Các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, tập trung đầu tư tín dụng cho giảm nghèo và những ngành, lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế của tỉnh như phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 33,5%; chương trình tín dụng chính sách xã hội tăng 44,2%; tổng dư nợ 15.149 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2015, nợ xấu được kiểm soát và nằm trong tỷ lệ cho phép. Các dịch vụ thanh toán phát triển, đáp ứng kịp thời phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động thương mại, dịch vụ được duy trì và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; quản lý tốt thị trường hàng hóa, tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại và thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng bình quân tăng 6,9%/năm. Từng bước khai thác có hiệu quả lợi thế kinh tế cửa khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 34%/năm, giá trị xuất khẩu hàng địa phương tăng 25,4%/năm vượt mục tiêu Nghị quyết (trên 10%/năm và trên 7%/năm).Hoạt động du lịch tiếp tục có bước phát triển, tích cực thông tin, quảng bá, liên kết phát triển du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến, điểm du lịch sinh thái; tổng lượng khách du lịch tăng bình quân trên 13%/năm, doanh thu bình quân tăng trên 13%/năm. Dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông tiếp tục được đầu tư, phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế xã, hạ tầng đô thị, nông thôn và hạ tầng vùng sản xuất được chú trọng đầu tư, nâng cấp: 100% xã có mặt đường cứng hóa đến trung tâm xã; 88,5% số thôn, bản có đường xe máy đi được thuận lợi (NQ: > 90%); 108/108 xã số xã, 93% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc (NQ: >95%); hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cơ bản được hoàn thiện, trên 80% trạm y tế có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; các thiết chế văn hóa - xã hội cơ sở tiếp tục được đầu tư, xây dựng, nâng cấp với việc xây dựng mới 206 nhà văn hóa, 12 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, 325 sân tập các loại khác; 81 trạm phát sóng FM, tăng 06 trạm so với năm 2015 đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Phát triển, quy hoạch đô thị được điều chỉnh và quản lý chặt chẽ; kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp; tỷ lệ đô thị hóa đạt 17%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; hệ thống chiếu sáng đô thị toàn tỉnh đạt 87%.

Các thành phần kinh tế được quan tâm tạo điều kiện phát triển bình đẳng; tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Hoạt động của các doanh nghiệp từng bước đi vào ổn định và phát triển. Kinh tế tập thể được quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, hỗ trợ vay vốn, hiệu quả hoạt động được nâng lên, đã thu hút, tạo việc làm cho trên 2.700 lao động. Kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, thành lập 494 doanh nghiệp; đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.045 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 270 làm ăn có lãi, tăng 140 doanh nghiệp so với năm 2015. Quy mô, loại hình sản xuất, kinh doanh; nhiều doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Quản lý tốt tài nguyên, môi trường, nhất là quản lý đất đai; thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định. Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản; chỉ đạo xử lý quyết liệt, hiệu quả việc giải toả các điểm khai thác khoáng sản trái phép. Chủ động các biện pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, xây dựng, khai thác làm ảnh hưởng đến môi trường, lượng rác thải được thu gom, xử lý đạt 95%; dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 80,5%, (NQ: >85%); dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 87%, (NQ: > 95%); xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường.

47 9 18
Trang trại nuôi lợn thịt chất lượng cao tại xã Vàng San, huyện Mường Tè

Bên cạnh những kết quả tích cực, nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn những hạn chế như, vẫn còn 02 chỉ tiêu thành phần đạt thấp là GRDP/đầu người/năm mới đạt 31,40 triệu đồng (NQ = 40 triệu đồng); tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch mới đạt 87% (NQ = 95%). Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp, sản phẩm chủ lực mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh còn ít. Phát triển nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn chậm; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc duy trì và nâng cao chất lượng một số tiêu chí nông thôn mới ở một số xã còn hạn chế.

Quản lý tài chính ngân sách có một số nhiệm vụ thực hiện chưa thực sự chặt chẽ; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, nợ đọng thuế còn cao; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số thời điểm, một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc. Các thành phần kinh tế phát triển chậm, quy mô nhỏ; hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể chưa cao.

Phát triển công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp còn chậm và chưa được quan tâm đúng mức; tiến độ triển khai các dự án thủy điện nhỏ và vừa còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cơ cấu dịch vụ chuyển dịch chậm, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ du lịch còn thấp; tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, sản phẩm du lịch chưa được đẩy mạnh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư kéo dài, giải ngân, quyết toán chậm làm giảm hiệu quả đầu tư. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường có thời điểm, có việc còn thiếu chặt chẽ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư còn chậm; tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm, tranh chấp vẫn diễn ra.

Nguyên nhân hạn chế trong phát triển kinh tế của tỉnh trong gần 3 năm qua xuất phát từ tình hình chung của cả nước và của tỉnh còn nhiều khó khăn; nguồn vốn huy động đầu tư phát triển chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, trong khi nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương cho tỉnh giảm so với giai đoạn trước, việc huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội còn thấp. Tình hình thiên tai hằng năm luôn diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiến độ một số công trình trọng điểm và đời sống nhân dân. Tiềm lực phát triển trong nhân dân còn hạn chế, lợi thế phát triển không cao; doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, thiếu vốn, thiếu việc làm. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở một số lĩnh vực còn thiếu quyết liệt. 

Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Nghị quyết Đại hội và các nghị quyết chuyên đề, đề án, kết luận của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.

Triển khai xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2050. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; điều chỉnh, bổ sung các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Xây dựng một số đề án và có cơ chế, chính sách, nguồn lực để phát triển các sản phẩm chủ lực có thương hiệu hàng hóa như: Gạo chất lượng cao, chè chất lượng cao, cây ăn quả ôn đới, dược liệu quý, chăn nuôi trâu, bò, thủy sản và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng phát triển nông nghiệp vùng khó khăn, vùng biên giới.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng điểm mô hình xã, bản nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch; phát huy vai trò "chủ thể" của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới; tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn; phấn đấu đến năm 2020 có 38 xã và 01 huyện (thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp lĩnh vực có lợi thế, trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy điện. Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến mủ cao su, chế biến chè, chế biến nông, lâm sản,... Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, phát triển thủy điện.

Đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới, phát triển kinh tế biên mậu, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, khai thác các tuyến, điểm du lịch, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác quản lý, điều hành tài chính, ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện các giải pháp tạo nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách nhà nước; giảm nợ đọng thuế. 

Lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hạn chế, yếu kém trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, các chương trình mục tiêu; huy động nguồn lực địa phương đầu tư hạ tầng thiết yếu nông thôn, nông nghiệp vùng khó khăn; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ dự án nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu. Đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, thanh quyết toán các công trình và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình sau đầu tư. Quản lý chặt chẽ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các đô thị; thực hiện tốt việc cấp giấy phép xây dựng. 

Tăng cường công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; kịp thời di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở và khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại do thiên tai./.

Tác giả: Kiên Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số 477/CT-UBND

Chỉ thị về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024

lượt xem: 639 | lượt tải:28

Số: 07/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép hoặc văn bản chấp thuận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

lượt xem: 769 | lượt tải:323

Số: 08/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển

lượt xem: 718 | lượt tải:10

Số: 09/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

lượt xem: 1044 | lượt tải:14

Số 10/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

lượt xem: 463 | lượt tải:6
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập137
  • Hôm nay15,291
  • Tháng hiện tại588,003
  • Tháng trước827,554
  • Tổng lượt truy cập26,447,781
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down