Hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh giảm được 14,85% hộ nghèo
Chủ nhật - 14/10/2018 19:291.1730
Hơn 2 năm qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, trong 2 năm 2016, 2017 đã có trên 12 nghìn hộ thoát nghèo; dự ước đến hết năm 2018 toàn tỉnh giảm được 14,85% hộ nghèo.
Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc, đồng bộ; cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc từng bước nhận thức, có trách nhiệm hơn trong công tác giảm nghèo. Sau hơn 2 năm triển khai, đã có 02/05 chỉ tiêu Nghị quyết đạt và vượt. Ước trung bình giai đoạn 2016-2018 giảm 4,95% tỷ lệ hộ nghèo/năm (riêng huyện nghèo giảm khoảng 5,7%), vượt chỉ tiêu (3-4%, riêng huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên); 02 huyện Than Uyên và Tân Uyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận ra khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu Nghị quyết; 13/17 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, chiếm 17,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (15%); đến nay, 100% xã có đường ô tô đi đến các xã; 71,3% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế...
Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn từ 2016-2018, đã hộ trợ cho gần 53 nghìn lượt hộ về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ cho trên 72 nghìn lượt hộ nhận giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng trên 296 nghìn lượt ha rừng được giao khoán. Tập trung chuyển hướng mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, trong 03 năm đã đào tạo được trên 17,3 nghìn lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh. Dự ước đến hết năm 2018, giải quyết việc làm cho gần 21 nghìn lao động, bình quân đạt 6,9 nghìn lao động/năm, xuất khẩu lao động 276 người; qua đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, tăng các nguồn thu nhập bền vững cho người dân.
Kết cấu hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tỉnh tiếp tục đầu tư, hoàn thiện với 307 công trình. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 903,64 km đường giao thông nông thôn, nâng tổng chiều dài lên 5.263,5 km; 39 công trình thủy lợi, nâng tổng số lên 959 công trình; 100% xã có điện lưới quốc gia, tiếp tục quan tâm đầu tư cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện, dự kiến đến cuối năm 2018 có 93% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, tăng 2,5% so với năm 2016. Hạ tầng giáo dục, y tế tiếp tục được đầu tư xây dựng, từng bước xóa phòng học tạm, phòng học nhờ, trong 3 năm đã xây dựng được 477 phòng học kiên cố; có trên 80% trạm y tế có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao bằng nhiều nguồn lực, giai đoạn 2016-2018 đã xây dựng được 206 nhà văn hóa, 325 sân tập các loại, 06 trạm phát sóng FM.
Từng bước giải quyết cơ bản được các thiếu hụt về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông cho hộ nghèo. Chất lượng giáo dục nâng lên khá rõ nét, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng từng năm học; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu; phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao chất lượng; đến nay, toàn tỉnh có 151 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 36,3%, tăng 60 trường so với năm 2015.
Công tác khám, chưa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cơ bản đáp ứng được nhu cầu, bình quân mỗi năm khám, chữa bệnh cho trên 370 nghìn lượt người. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên, đến nay tỉnh đạt 9,18 bác sỹ/vạn dân; 71,3% trạm y tế có bác sỹ làm việc, tăng 22,2 điểm %. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, nhất là đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,88%.
Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, trong 3 năm đã xây mới, sữa chữa nhà ở cho 973 hộ nghèo, cho vay làm nhà 24.325 triệu đồng; đồng thời huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, người dân giúp đỡ các hộ nghèo dựng nhà. Đầu tư, nâng cấp, sửa chữa được 324 công trình nước sạch, nâng tổng số công trình cấp nước sinh hoạt lên 803 công trình; tính đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 80,5%, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sinh hoạt đạt 87%.
Hệ thông phương tiện thông tin, truyền thông được quan tâm đầu tư phát triển khá nhanh, đến nay, Đài PT-TH tỉnh đã phát thử nghiệm kênh LTV lên vệ tinh VINASAT-1; các đài TT-TH cấp huyện, trạm phát lại và đài truyền thanh cơ sở đều được nâng cấp. Toàn tỉnh có trên 375 nghìn thuê bao điện thoại, 20.858 thuê bao internet, có 102 xã, phường, thị trấn có internet; phát thanh đạt trên 98 nghìn giờ/năm, phát sóng FM trên 87 nghìn giờ/năm, phát sóng truyền hình trên 246 nghìn giờ.
Kết quả rõ nhất là đời sống của Nhân dân, nhất là ở các xã nghèo được nâng lên; bình quân thu nhập đầu người toàn tỉnh nói chung, vùng khó khăn nói riêng đều tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tăng từ 27,74 triệu đồng năm 2016 lên 31,4 triệu đồng vào cuối năm 2018; trong đó, thu nhập của người nghèo tăng rõ rệt, trong hơn 2 năm đã có trên 12 nghìn hộ thoát nghèo với mức thu nhập bình quân trên ngưỡng nghèo là 700 nghìn đồng/tháng (8,4 triệu đồng/năm). Đã có trên 36 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và hộ chính sách khác được vay vốn sản xuất; nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu. Qua đó, góp phần quan trong tăng cường củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Cùng với những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn những hạn chế, nhất là sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội chưa thực sự chặt chẽ. Hiệu quả tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm về giảm nghèo có mặt còn hạn chế. Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở cơ sở của một số cơ quan chức năng thiếu thường xuyên. Trên thực tế mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm theo kế hoạch hằng năm, nhưng kết quả giảm nghèo không bền vững, số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh còn cao. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và biên giới còn cao, hiệu quả giảm nghèo ở một số nơi đạt thấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Để thực hiện thành công Nghị quyết về giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định, đồng thời có các giải pháp hữu hiệu cho công tác giảm nghèo phù hợp đối với từng vùng, từng đối tượng, từng dân tộc cụ thể. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về người nghèo về vai trò, vị trí của công tác giảm nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nêu gương các hộ nghèo chủ động, nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Huy động mọi nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh về phát triển nông lâm nghiệp (dược liệu, rau quả ôn đới,...), phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa... giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sản xuất cho hộ nghèo gắn với liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Tập trung nguồn lực đầutư cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, các xã biên giới, các dân tộc đặc biệt khó khăn như Mảng, Cống, La Hủ, Khơ Mú, Si La. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Tiếp tục tăng cường cán bộ xuống các xã làm nhiệm vụ giảm nghèo gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nói chung, việc thực hiện chính sách giảm nghèo nói riêng cho đội ngũ cán bộ tại chỗ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách giảm nghèo, cũng như các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý những sai phạm trong tổ chức thực hiện; đồng thời, phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt trong thực hiện công tác giảm nghèo, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế