Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Bão Yagi đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc biển Đông vào sáng ngày 03/9 với cường độ cấp 8, giật cấp 11. Sáng ngày 05/9, tâm bão tại vị trí 19,0 độ vỹ Bắc, 115,8 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông với cường độ cấp 15, giật cấp 17 (tăng 7 cấp so với thời điểm vào biển Đông).
Dự báo bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/h; tiếp tục mạnh lên đạt cường độ mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Rủi ro thiên tai cấp độ 4 với phía Bắc khu vực Bắc biển Đông trong các ngày 05-07/9/2024.
Khoảng chiều tối ngày 07/9 bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình). Sóng biển cao nhất 10,0-12,0m trong các ngày 05-06/9/2024. Thủy triều tại trạm Hòn Dấu: Cao nhất là 2,0m vào 17h00’ ngày 07/9/2024 (đang trong thời kỳ nước ròng). Từ đêm 06/9 đến sáng 09/9, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.426 tàu cá/220.805 người, trong đó có 1.671 tàu/10.692 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.
Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của cơn bão Yagi, Trung ương và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các công điện, văn bản nhằm tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ do ảnh hưởng của bão. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Công điện về ứng phó khẩn cấp với bão số 3.
Tại phiên họp các bộ, ngành, địa phương báo cáo công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn báo số 3; nêu lên các giải pháp làm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác dự phòng của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin liên quan đến bão số 3 một cách nhanh nhất, chính xác nhất để người dân có biện pháp phòng ngừa hiệu quả; kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; chủ động cấm biển tuỳ theo diễn biến thực tế tại địa phương; kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; cần di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu...
Ngay sau cuộc họp, tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, triển khai các phương án ứng phó; nhất là cơ quan thường trực chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản đôn đốc các sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó với bão số 3; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân về nguy cơ ảnh hưởng bão số 3 trong lao động sản xuất; các tuyến giao thông cấp tỉnh, cấp huyện quản lý đề nghị chủ động ứng phó với các sự cố, đảm bảo thông tuyến kịp thời; Sở Công thương tiếp tục quản lý, vận hành an toàn các công trình thủy điện; cần thiết sơ tán người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao; các cơ quan tiếp tục theo thực hiện phương án ứng phó theo Công văn số 3437/UBND-KTN, ngày 27/08/2024 của UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn lao động trên địa bàn tỉnh...