Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới
Thứ năm - 20/06/2019 22:281.1740
Sáng ngày 20/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Dự Hội nghị có Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng. Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 63 điểm cầu của cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu có đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
NTheo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2018 trên địa bàn của cả nước có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền trên cả nước với 16/21 hình thái thiên tai.
Trong năm 2018, thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích; 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 43.159 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đất đá đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; hơn 86 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2019, thiên tai đã xảy ra ở khắp các vùng miền trên cả nước như mưa lớn cực đoan, mưa đá, giông lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển... nhất là tại khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại về người và tài sản. Gần đây nhất, từ ngày 25/5 đến ngày 01/6, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Yên Bái; đã làm 23 người chết, mất tích, 36 người bị thương và thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của Nhân dân.
Công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai đã được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân vùng thiên tai chủ động phục hồi nhanh chóng để ổn định cuộc sống của người dân, góp phần duy trì tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hoạt động hỗ trợ dân sinh được thực hiện tốt, nhất là việc tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc men và chỗ ở không để người dân bị đói, rét, đảm bảo vệ sinh môi trường phòng ngừa dịch bệnh.
Với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai; tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế để cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả của thiên tai; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; ban hành, hướng dẫn triển khai bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, hàng năm công bố kết quả đánh giá theo bộ chỉ số, sắp xếp thứ tự và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ và hệ thống cơ quan tham mưu làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra...
Tại Lai Châu, năm 2018 thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính là 500 tỷ đồng; đã làm 25 người chết, 14 người mất tích, 24 người bị thương; 1.844 nhà ở bị ảnh hưởng; 04 trại nuôi trồng cá nước lạnh tại xã Sơn Bình (huyện Tam Đường), 69,9 ha ao cá bị cuốn trôi, vùi lấp hoàn toàn; 1.023 con gia súc, hơn 11.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 1.119 ha lúa, 104 ha rau màu, 628 ha cây hàng năm, 135 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại… Ngay sau mỗi đợt thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận các bộ, ngành, địa phương đã có những giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra trong năm 2018. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để bảo đảm kịp thời hơn, chính xác hơn; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng được đội ngũ làm công tác tham mưu phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp, chủ động…/.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế