Hội nghị triển khai công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm
Thứ tư - 16/07/2014 05:186010
Chiều 14/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Hà Văn Um, TUV, Giám đốc Sở NN&PTNT dự Hội nghị.
6 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT ban hành 4 Thông tư hướng dẫn các địa phương thực hiện chủ trương, chính sách, quy trình, thủ tục về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) nông - lâm - thủy sản; lấy ý kiến thành viên chính phủ về dự thảo Luật Thú y; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Các tỉnh, thành phố thanh, kiểm tra 3.751 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó có 817 cơ sở vi phạm về tiêu chuẩn công bố (chiếm 21,78%); thanh, kiểm tra 14.323 cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản, trong đó có 1.584 cơ sở vi phạm các chỉ tiêu vi sinh vật và hóa chất (chiếm 11,6%).
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Luật Thú y; các Thông tư về phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực phẩm biến đổi gen dùng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; quản lý giống thủy sản; Đề án đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn; Đề án bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014 - 2020…
Tại tỉnh Lai Châu, công tác thanh kiểm tra và thủ tục kiểm dịch xuất nhập khẩu được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là kiểm tra thủ tục hành chính về kiểm dịch thực vật đối với các giống cây trồng nhập nội; định kỳ kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở đạt loại B, C khắc phục, bổ sung những thủ tục chưa đạt yêu cầu; tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo phân công của Thông tư liên tịch số 13/2004/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9/4/2004 của liên Bộ Y tế, NN&PTNT, Công thương…
Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị trực tuyến của các bộ, ngành chức năng và các địa phương tập trung vào một số vấn đề: Cơ chế, chính sách pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông - lâm - ngư nghiệp; vấn đề xử lý những cơ sở sản xuất kinh thực phẩm xếp loại C; kiểm soát, xử lý phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng; hhệ thống pháp luật, quy chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp chưa hoàn thiện; phân cấp trong quản lý còn nhiều bất cập, chế tài xử lý những vi phạm chưa đủ mạnh…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Thời gian tới, Bộ NN&PTNT gấp rút xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có vấn đề xử lý thuốc trừ sâu, phân bón giả, kém chất lượng; xây dựng cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích người dân tham gia; tăng cường công tác tuyên truyền và thanh tra, xử lý thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, chất kích thích cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và tích cực tái kiểm tra các cơ sở xếp loại C để xử lý nghiêm; ngành chức năng xây dựng đề án quản lý theo chuỗi, tổ chức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia; các ngành chức năng rà soát Thông tư liên tịch số 13 để điều chỉnh, phân công trách nhiệm, phối hợp thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế