Đồng chí Lê Trọng Quảng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị còn có thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; UBND huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, thành phố Lai Châu và các hộ gia đình tiêu biểu thực hiện đề án trong vùng quy hoạch chè.
Qua 4 năm tổ chức triển khai thực hiện Đề án, các huyện Tân Uyên và Tam Đường đã trồng được 385,7ha chè giống mới chất lượng cao như Kim Tuyên, PH8 (đạt 110%), trồng tái canh trên diện tích chè năng suất thấp, kém hiệu quả được 47,2ha, nâng tổng diện tích chè toàn tỉnh lên 3.858 ha. Với tổng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh hơn 20.083 triệu đồng, các mục tiêu thực hiện trong đề án cơ bản đạt được, bước đầu hình thành vùng chè mới tập trung chất lượng cao; nâng năng suất chè lên 85,3 tạ/ha, sản lượng ước đạt 20.600 tấn.
Cùng với đó, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư làm mới 18,92 km đường sản xuất, 1 nhà tập kết thu mua nguyên liệu, 3 bể chưa nước; cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của bà con nông dân trong vận chuyển cây giống, vật tư phân bón, chăm sóc và thu hái chè. Các địa phương trong vùng dự án đã tổ chức lại sản xuất ngành chè theo hướng gắn nông dân với doanh nghiệp theo hợp đồng, hợp tác kinh doanh, giảm các cơ sở chế biến chè mi ni; thu hút các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng và nâng cấp 9 nhà máy chế biến, tổng công suất 220 tấn/ngày. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong vùng quy hoạch chè.
Tại Hội nghị, đại biểu ở các địa phương, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, sản xuất chè đã tham luận xung quanh cơ chế, chính sách hỗ trợ, cách làm hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu các ý kiến tham gia xây dựng Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giao đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư 449.274 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh và vốn của doanh nghiệp để hỗ trợ, đầu tư thâm canh tăng năng suất 3.344 ha chè kinh doanh; trồng mới và trồng tái canh trên 1.000 ha chè tại huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình sản xuất chè có hệ thống tưới theo tiêu chuẩn ViệtGAP, với diện tích 50ha; hỗ trợ làm 58m đường sản xuất; đổi mới công nghệ, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè Lai Châu.
Đồng chí Lê Trọng Quảng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Trọng Quảng ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện Đề án phát triển vùng chè giai đoạn 2011-2014; đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân và các hộ gia đình đã có nhiều nỗ lực, góp phần vào việc mở rộng, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè của tỉnh thời gian qua.
Phó Chủ tịch Lê Trọng Quảng cho rằng để việc khôi phục, phát triển vùng chè và biến cây chè thành một sản phẩm chủ lực trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng tổng sản lượng chè tăng thêm 60% so với năm 2011 như Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giao đoạn 2015-2020 đề ra, các huyện, thành phố phải phối hợp chẹt chẽ với doanh nghiệp sản xuất giống chè chất lượng cao tại chỗ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh trước 15/8 để chuẩn bị cho mùa vụ trồng mới năm 2015.
Ghi nhận đóng góp của các tập thể, cá nhân trong thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã tặng thưởng Bằng khen cho 6 tập thể, 11 cá nhân và 15 hộ gia đình./.