Ngày 8/6, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 (lần 1) để bàn, thảo luận và cho ý kiến vào 11 dự thảo báo cáo, Nghị quyết và đề án. Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Theo đó, báo cáo về tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách địa phương cho thấy 6 tháng đầu năm tỉnh ta đã chủ động triển khai quyết liệt nhiều biện pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, đẩy mạnh thanh kiểm tra, các hoạt động giám sát tích cực hơn của các cấp, các ngành cùng với việc cải cách thủ tục hành chính thuế đã tạo điều kiện khai thác tập trung các nguồn thu trên địa bàn đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 4.517.831 triệu đồng, đạt 74% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 89% so với cùng kỳ năm 2015; thu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thu từ doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý đạt trên 60% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Nhiều đơn vị có số thu cân đối khá như huyện Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè, Tân Uyên, đặc biệt huyện Nậm Nhùn ước thực hiện 6 tháng tăng 6% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Các ngành, các cấp được giao nhiệm vụ chủ đầu tư đã thực hiện khá tốt các quy định về quản lý đầu tư trong việc giải ngân để thu hồi tạm ứng vốn XDCB nên việc thu hồi tạm ứng tồn từ năm trước đã có những kết quả nhất định.
Qua đó, các đại biểu tập trung thảo luận về những giải pháp chủ yếu liên quan đến chỉ đạo phát triển sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhằm tập trung tối đa số thu NSNN; giải quyết tình trạng nợ đọng; triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, trốn thuế...
Đối với tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2016; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, nhiều đại biểu cho rằng cần đầy mạnh biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng NSĐP. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn sản xuất kinh doanh ổn định; đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước trong từng cơ quan, đơn vị, nhất là cải cách về thủ tục hành chính trong giải quyết các công việc liên quan đến Nhân dân, đến doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại, hạn chế lãng phí thời gian tiền bạc của Nhân dân.
Trong phiên họp này, dự thảo Nghị quyết về việc quy định chính sách hỗ trợ tổ chức nuôi dưỡng trẻ em, học sinh ở bán trú tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Lai Châu; ban hành mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 - 2017 đến năm 2020 - 2021; mức thu và chế độ quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được bàn bạc kỹ với nhiều ý kiến thảo luận với nhiều nội dung liên quan đến việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách; định mức hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng cho các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn; các đối tượng không phải đóng, miễn, giảm học phí; mức thu phí đối với từng loại khoáng sản cụ thể...
Đề án được đại đa số đại biểu nhất trí, đánh giá cao là Phát triển Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến năm 2020. Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị theo quy hoạch. Đến hết năm 2015 tỉnh Lai Châu có 15/96 (15,6%) xã đạt chuẩn chuẩn nông thôn mới. Đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ trọng tâm đề ra phấn đấu có từ 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 huyện (thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn với thu nhập tăng 2,5 lần so với năm 2015; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3-4%/năm…
Để giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lực giai đoạn 2016 - 2020, các đại biểu đã thảo luận sâu vào những nội dung: thực trạng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; công tác đào tạo, dạy nghề; hạn chế, kinh nghiệm vàcác nhiệm vụ giải pháp, mục tiêu cụ thể cho nguồn nhân lực của tỉnh ta trong giai đoạn tới.
Đối với các dự thảo báo cáo: tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo; kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm đã được các đại biểu cơ bản thống nhất về hình thức, nội dung.
Kết luận tại đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành sớm hoàn thiện các dự thảo Tờ trình, Nghị quyết, Đề án, Báo cáo trình HĐND tỉnh và các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời yêu cầu, thời gian tới các Sở, ban, ngành phấn đấu hoàn thành cao nhất và đảm bảo chủ sự chủ động, cân đối trong điều hành nhiệm vụ thu, chi Ngân sách địa phương trên đia bàn; tiếp tục thực hiện các biện pháp thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung lồng ghép các nguồn vốn, huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trên cả 3 yếu tố cơ bản: sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức và có cơ cấu hợp lý, đáp ứng theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh…/.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế