Ủy ban nhân dân tỉnh: Phiên họp thường kỳ tháng 6 (lần 2)
Thứ ba - 21/06/2016 03:023670
Ngày 20/6, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 6 (lần 2). Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Phiên họp lần này, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến thảo luận vào nhiều nội dung quan trọng. Trọng tâm là hai định hướng xây dựng: dự toán thu - chi ngân sách địa phương (NSĐP) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và vốn đầu tư năm 2017; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2016.
Dựa vào tình hình thực hiện dự toán thu - chi NSĐP năm 2016, trong năm 2017 các đại biểu cùng bàn bạc về định hướng thu - chi NSĐP với nhiều mức khác nhau. Về thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn, Sở Tài Chính xây dựng dự toán địa phương để giao cho các ngành và các huyện, thành phố là 1.650.000 triệu đồng (trong đó thu NSĐP hưởng 1.630.000 triệu đồng, thu thuế xuất nhập khẩu là 10.000 triệu đồng), tăng 16,7% so với dự toán Trung ương giao năm 2016, tăng 10% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Cùng với nguồn thu được định hướng trên, đa số các đại biểu thống nhất với tổng chi NSĐP là 6.950.000 triệu đồng, tăng 14% so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2016, tăng 10% so với ước thực hiện năm 2016. Chủ yếu là chi thường xuyên, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, đầu tư phát triển, dự phòng ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia...
Một nội dung được đại đa số đại biểu quan tâm là tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. Báo cáo nói rõ trong 6 tháng đầu năm: Diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân vượt kế hoạch (nâng tổng sản lượng ước đạt 35.290 tấn, tăng 530 tấn so với vụ Đông Xuân năm trước); cơ bản chuẩn bị đủ các điều kiện phục vụ cho công tác trồng mới chè, cao su theo kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt, giá trị sản xuất công nghiệp (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước), thu ngân sách trên địa bàn, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, giá trị xuất khẩu hàng địa phương tiếp tục phát triển và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực: Chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên, toàn tỉnh có 93 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 12 trường so với cùng kỳ năm trước; Tiếp tục duy trì công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm chỉ đạo, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021...
Trên cơ sở tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, dự ước cả năm có 04 nhóm chỉ tiêu thay đổi so với kế hoạch đã giao (trong đó: 01 chỉ tiêu chủ yếu, 14 chỉ tiêu ngành lĩnh vực). Do đó các đại biểu đề nghị điều chỉnh các chỉ tiêu này cho phù hợp với thực tế, cụ thể là 2 chỉ tiêu về cây cao su, 3 chỉ tiêu liên quan đến dịch vụ vận tải, 8 chỉ tiêu của xóa đói giảm nghèo và 2 chỉ tiêu ở lĩnh vực đào tạo. Ngoài ra, nhiều ý kiến đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện trong thời gian tới như: tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối cấp tỉnh, huyện và kế hoạch sử dụng đất năm 2016 cấp huyện; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Theo đó, rất đông ý kiến thảo luận tập trung sâu vào những định hướng về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và vốn đầu tư năm 2017. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu xây dựng phát triển kinh tế - xã hội quan trọng: Tốc độ tăng trư¬ởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 18%; Tổng sản lượng lương thực có hạt: 200,6 nghìn tấn; tỷ lệ che phủ rừng 47,9%; năm 2017 có thêm 4 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 25 xã; Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 6,4%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,63%, riêng các huyện nghèo 4,22%... Liên quan đến xây dựng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017, các đại biểu tập trung bàn về những nguồn vốn tối thiểu dành cho đầu tư phát triển và dành cho các chương trình mục tiêu.
Trong buổi chiều, phiên họp tiếp tục với nhiều nội dung quan trọng: dự thảo Nghị quyết về thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại địa phương; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư từ nguồn NSNN 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2016; 2 dự thảo Nghị quyết: chấp thuận bổ sung danh mục các dự án phải thu hồi đất và danh mục các dự án được phép chuyển mục đích sử dụng đất năm 2016 và việc phân loại đơn vị hành chính tỉnh Lai Châu.
Kết thúc phiên họp, đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo, yêu cầu cơ quan nhanh chóng hoàn chỉnh để báo cáo để trình lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, đồng chí nhấn mạnh một số nội dung trọng tậm sau: đẩy mạnh sản xuất Nông nghiệp, tập trung hoàn thành thu hoạch diện tích cây trồng vụ Đông Xuân, các cây trồng vụ Xuân Hè, gieo cấy vụ mùa, đảm bảo khung thời vụ; chú ý công tác an sinh xã hội đặc biệt quan tâm đối với các xã, bản có tỷ lệ hộ nghèo; đảmbảo sức khỏe Nhân dân mùa hè và mùa mưa lũ; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI; căn cứ khả năng cân đối của từng nguồn vốn, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án theo nguyên tắc; bố trí 100% vốn còn lại cho các dự án đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2017; tập trung nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện đồng bộ các biện pháp và phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2016; quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, thực hiện nghiêm việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung theo chỉ đạo tại văn bản số 860/UBND-TM ngày 19/5/2016 của UBND tỉnh.../.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế