Là huyện cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh, được xác định là vùng kinh tế động lực, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Than Uyên có 12 xã, thị trấn với 131 bản, khu dân cư, có 10 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng và nhiều lễ hội truyền thống lâu đời là điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc. Tuy nhiên cũng có phong tục, tập quán lạc hậu cản trở sự phát triển của huyện cần phải quyết tâm loại bỏ ra khỏi đời sống cộng đồng.
Xác định xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng, ngay sau khi Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 22/12/2023) về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030, Huyện ủy Than Uyên đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài, có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển toàn diện và bền vững. Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh không chỉ góp phần giải phóng sức dân khỏi những ràng buộc cổ hủ, mà còn tạo động lực nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng con người mới phù hợp với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo, triển khai cụ thể hóa Nghị quyết; thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến 100% xã, thị trấn với cơ cấu tổ chức hợp lý, phân công rõ nhiệm vụ. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn và lồng ghép nội dung nghị quyết vào sinh hoạt chi bộ, hội nghị ngành giáo dục. Việc nhận diện các hủ tục được tổ chức bài bản với sự tham gia của đông đảo cán bộ cơ sở, đảm bảo sự thống nhất trong toàn huyện. Sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt từ huyện đến cơ sở đã tạo sự lan tỏa, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị.
Sau hơn một năm triển khai, huyện Than Uyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn bộ các hủ tục, tập quán lạc hậu đã được xác định rõ, đưa vào hương ước, quy ước của 131 thôn bản, khu dân cư. Một số hủ tục đã được xóa bỏ hoàn toàn như thách cưới tại bản Noong Quang, tang lễ không còn giết mổ trâu bò ồ ạt tại các bản người Mông; nhiều người dân đã chủ động đến cơ sở y tế thay vì mời thầy mo, thầy cúng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,02%, còn 909 hộ; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 97,05%. Ba mô hình điểm đã được xây dựng để nhân rộng toàn huyện. Năm 2024, tổ chức thành công Hội thi “Dân vận khéo” tuyên truyền xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu từ cấp xã đến huyện với sự tham gia của hơn 1.700 thí sinh và thu hút đông đảo khán giả theo dõi, góp phần nâng cao nhận thức, lan tỏa tinh thần xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn huyện.
Để Nhân dân đồng thuận và triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết, vai trò của công tác tuyên truyền được cấp ủy, chính quyền khai thác triệt để. Phát huy vai trò của truyền thông đại chúng (tin, bài tiếng Việt và tiếng Thái); tuyên truyền trực quan; tuyên truyền miệng, các buổi sinh hoạt chi bộ, chi hội, chi đoàn, câu lạc bộ, họp thôn bản, hội thi “Dân vận khéo”, văn nghệ, sân khấu hóa, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, truyền thông lồng ghép với các hoạt động của mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân... Toàn huyện đã tổ chức gần 300 hội nghị tại các chi, đảng bộ, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội với hơn 20.000 lượt người tham gia; tổ chức gần 300 cuộc họp tại thôn, bản, khu dân cư với hơn 60.000 lượt người tham dự; gần 900 buổi tuyên truyền được tổ chức với hơn 40.000 lượt người tiếp cận; xây dựng và phát hành 25 chuyên mục, tin bài trên hệ thống truyền thanh tiếng Việt và tiếng Thái với tổng thời lượng phát sóng hơn 6 giờ.
Đặc biệt, đến nay đã nhận diện được 7 hủ tục là: (1) Tảo hôn, không đăng ký kết hôn, (2) Hủ tục đám tang, làm ma tốn kém, kéo dài ngày, mất vệ sinh, (3) Hủ tục cưới xin còn tốn kém kéo dài, (4) Tự sinh con tại nhà, (5) Thả rông gia súc, (6) Mời thầy mo, thầy cúng đến nhà để cúng chữa bệnh nhưng không đưa đi bệnh viện, (7) Sử dụng nhiều vòng hoa, bức trướng trong đám ma, đốt nhiều vàng mã; đã xóa được 1 hủ tục là: Sử dụng nhiều vòng hoa, bức trướng trong đám ma, đốt nhiều vàng mã, đạt tỷ lệ 14,3%, phản ánh kết quả bước đầu thiết thực, tạo tiền đề để tiếp tục nhân rộng.
Những kết quả đạt được góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong huyện; khẳng định sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn của của cấp ủy, sự vào cuộc của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tạo thành động lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được một số cấp ủy cơ sở chưa thực sự quyết liệt, nội dung và hình thức tuyên truyền ở một số nơi còn đơn điệu, thiếu sáng tạo; một bộ phận người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại; cán bộ tuyên truyền chưa am hiểu sâu sắc phong tục từng dân tộc, dẫn đến hiệu quả chưa cao; nguồn lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...
Để văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, huyện Than Uyên xác định tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân là then chốt; mỗi hộ gia đình phải là một pháo đài trong cuộc chiến bài trừ hủ tục. Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh của mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, già làng, trưởng bản, người uy tín trong thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong các dân tộc; phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp thu hút du khách đến thăm quan trải nghiệm, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phấn đấu đến hết năm 2025 xóa bỏ ít nhất 35% số hủ tục đã được xác định. Gắn thực hiện nghị quyết với phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức lan tỏa bền vững sâu rộng thu hút sự tham gia tích cực của cộng xã hội, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.