Kinh tế - xã hội Lai Châu 9 tháng đầu năm 2023 phát triển trong bối cảnh khó khăn
Thứ tư - 11/10/2023 04:335.4160
Trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, trong điều kiện kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, chiến tranh Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống đã tác động xấu đến kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Sức ép lạm phát, tăng giá cả đầu vào đè nặng lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có dấu hiệu suy thoái làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của cả nước nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng. Song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu vẫn đạt được những kết quả tích cực.
Về kinh tế, ngành nông nghiệp duy trì ổn định, sản lượng lương thực đạt 124.120 tấn, diện tích trồng chè và cây ăn quả đều vượt kế hoạch. Chăn nuôi, thủy sản phát triển tốt. Lâm nghiệp tập trung trồng rừng mới và bảo vệ rừng. Xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 12,5 tiêu chí/xã. Một số ngành dịch vụ của tỉnh cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực như, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng qua ước đạt 6.292,3 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75,6% kế hoạch; kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng tăng trưởng khả quan, đạt 35,16 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,3 triệu USD, nhập khẩu đạt 22,86 triệu USD.
Ngành du lịch Lai Châu đang dần hồi phục, hoạt động du lịch cũng khởi sắc trở lại sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch Covid-19. Theo thống kê, 9 tháng qua, lượng khách đến Lai Châu ước đạt 799.740 lượt, tăng 37% so với cùng kỳ, đem về 586,23 tỷ đồng doanh thu, tăng 19,9% và đạt 92,9% kế hoạch. Riêng trong dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, toàn tỉnh đã đón khoảng 60.600 lượt khách.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều điểm khả quan. Ngành giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,83%. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra sôi động. Lai Châu vinh dự đăng cai Giải Vô địch Quốc gia Marathon lần thứ 64. Ngành y tế tập trung tốt công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động vượt chỉ tiêu kế hoạch và đạt kết quả tích cực; trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 7.668 lao động, vượt 9,6% kế hoạch. 254 lao động được xuất khẩu, vượt 69% kế hoạch năm.
Về cải cách hành chính, chỉ số PCI, DDCI được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn đạt 99,5%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được đẩy mạnh. Công tác đối ngoại được tăng cường với các địa phương trong nước và quốc tế. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tội phạm được kéo giảm. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng giảm 16,4% so với cùng kỳ thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (đạt 64,3% kế hoạch). Theo phân tích của cơ quan thống kê, nguyên nhân chủ yếu khiến IIP giảm sâu là do sản lượng điện sản xuất giảm 18,7% so với cùng kỳ, chỉ đạt 4.886 triệu kWh. Nguyên nhân là do tình trạng hạn hán, mực nước các hồ thuỷ điện xuống thấp dẫn tới việc phải vận hành cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động ở một số nhà máy thủy điện lớn. Bên cạnh đó, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực khác cũng sụt giảm như: Đá xây dựng giảm 17,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 416.448 m3; gạch xây dựng giảm 17,3%, đạt 57,546 triệu viên; xi măng giảm 9,4%, đạt 3.800 tấn.
Thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 1.451 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ và thấp hơn nhiều so với dự toán, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Vấn đề này theo UBND tỉnh, nguyên nhân là do một số khoản thu, sắc thuế thu đạt thấp như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương chỉ đạt 54% dự toán; thuế bảo vệ môi trường đạt 39%; tiền sử dụng đất đạt 23%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh còn thấp so với yêu cầu, đến ngày 15/9/2023 mới đạt 39,4% kế hoạch vốn được giao, chậm so với tiến độ. Theo UBND tỉnh, nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc; nguồn cung vật liệu xây dựng thiếu hụt; giá vật liệu tăng cao,... ảnh hưởng đến triển khai dự án.
Xuất khẩu hàng hóa địa phương giảm 6,6% so với cùng kỳ do thị trường xuất khẩu chè gặp khó khăn. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Đến nay, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh vẫn chưa đề xuất được giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; việc mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu cho các cấp học còn chậm. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến còn chênh lệch, năng lực hệ thống y tế cơ sở còn hạn chế; hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình chưa ổn định, bền vững. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vacxin, tỷ lệ xã phường phù hợp với trẻ em còn thấp.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, nỗ lực hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, thiết nghĩ trong thời gian còn lại từ nay đến cuối năm, tỉnh Lai Châu cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Thứ nhất, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề. Có chính sách miễn giảm thuế, phí để khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm nông sản, thủy sản. Tăng cường xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng chủ lực. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm. Đẩy mạnh giải quyết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tăng cường công tác quản lý thu chi ngân sách. Quyết liệt đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, chống thất thu thuế.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, bổ sung trang thiết bị dạy học hiện đại. Xây dựng chính sách thu hút giáo viên về công tác tại vùng khó khăn. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Xây dựng các tour, tuyến du lịch mới hấp dẫn. Triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Quan tâm chăm lo đời sống người có công, bảo trợ xã hội. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tăng cường công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh.
Thứ ba, Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ. Xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng.
Thứ tư, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ cấp phép đầu tư, giải quyết thủ tục đất đai cho các dự án. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Thứ năm, có giải pháp căn cơ và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh, huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, nhất là công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an ninh trật tự, chủ quyền biên giới quốc gia, mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm thu hút nguồn lực đầu tư kinh doanh vào địa bàn tỉnh; chuẩn bị tốt các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế