Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để Lai Châu phát triển nhanh và bền vững

Thứ tư - 01/11/2023 05:34 1.600 0
Là địa phương thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24-NQ/TW); sau 10 năm thực hiện nhận thức trong hệ thống chính trị, người dân và năng lực ứng phó BĐKH của tỉnh được nâng cao, thiệt hại do thiên tai có chiều hướng giảm và được khắc phục kịp thời.
Lai Châu đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng để ứng phó với biến đổi khí hậu
Lai Châu đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng để ứng phó với biến đổi khí hậu
Lai Châu là tỉnh biên giới miền núi, có diện tích tự nhiên lớn (9.068,78km2), địa hình chia cắt mạnh, nhiều núi cao, sông suối, hằng năm chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra. Thống kê năm 2022, thiệt hại do thiên tai làm 2 người chết, 1 người bị thương; 278 nhà ở bị hư hỏng; 49,8 ha cây trồng các loại bị gãy, dập, ảnh hưởng; 47 công trình thủy lợi bị hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt, lở gây tắc nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông, ước khối lượng đất, đá bị sạt lở trên 1.081.000 m3; 1 công trình văn hóa, 5 điểm trường bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại trên 135 tỷ đồng.

Xác định tầm quan trọng của công tác ứng phó với BĐKH để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW phù hợp với nguồn lực và yêu cầu của thực tiễn, ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU, ngày 15/8/2013 thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 145 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết 24-NQ/TW, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, thông qua chương trình hội thảo, tập huấn, giáo dục bồi dưỡng kiến thức chính sách, pháp luật của nhà nước về chủ động ứng phó với BĐKH.

Công tác xây dựng năng lực chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH được chú trọng. Tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để thích ứng với BĐKH. Triển khai 28 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 05 nhiệm vụ cấp quốc gia và 23 nhiệm vụ cấp tỉnh tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ về giống, kỹ thuật thâm canh trong trồng trọt, chăn nuôi; hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống; trồng, chăm sóc một số loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có điều kiện thâm canh cao, kết hợp với công nghệ chế biến, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nghiên cứu phát triển 48 giống cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ thích ứng với BĐKH. Ứng dụng, chuyển giao các quy trình kỹ thuật thích ứng với BĐKH với trên 200 mô hình, 28 quy trình kỹ thuật của 48 giống cây trồng, vật nuôi có năng suất vượt trội trên 25%; chuyển giao cho 1.500 người dân ứng dụng vào sản xuất, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường biên tập tài liệu, cử công chức làm báo cáo viên tại các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chia sẻ bài học kinh nghiệm về triển khai các mô hình ứng phó với BĐKH và tập huấn kỹ thuật thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường như VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, canh tác trên đất dốc, 3 giảm 3 tăng; xử lý, thu gom chất thải trong chăn nuôi; đưa giống cây, loại cây lâm nghiệp có giá trị, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng trồng tại từng địa phương. Các cấp, các ngành lồng ghép hoạt động bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí, ứng phó với BĐKH trong phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, các chương trình, dự án về cải thiện vệ sinh hộ gia đình, giám sát chất lượng nước. Đẩy mạnh công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, bệnh không lây nhiễm nhạy cảm với BĐKH và thời tiết cực đoan. Quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm do các yếu tố liên quan đến BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nhất là vào mùa mưa lũ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan cung cấp kịp thời thông tin dự báo thời tiết cho Nhân dân nhằm chủ động phòng, chống thiên tai. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; rà soát, đề xuất di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt và những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn. Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên là 41.275 ha; độ che phủ rừng đạt 51,87%; diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn là 256.848 ha; tổng số tiền thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tăng từ 166.218 triệu đồng (năm 2013) lên 515.862 triệu đồng (năm 2022).

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính bằng việc cân đối, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng giai đoạn 2017-2020; ưu tiên kinh phí cho các công trình, dự án trọng điểm phục vụ bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo cảnh báo cháy rừng trên địa bàn, nhằm chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tuyên truyền vận động người dân tham gia phong trào “Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất gạch không nung, công suất thiết kế trung bình khoảng 4,1 triệu viên/năm; sản lượng điện tiết kiệm giai đoạn 2013-2022 đạt 28,05 triệu kWh.

Thường xuyên rà soát các điểm dân cư tại các xã có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, sạt lở núi, lũ quét và các nguy cơ thiên tai trên địa bàn tỉnh; thực hiện di dời, hỗ trợ di dời 278 hộ đến điểm tái định cư mới an toàn. Quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nâng cao khả năng tưới, tiêu nước, đảm bảo an toàn hồ đập. Hiện toàn tỉnh có 985 công trình thủy lợi, trong đó có 5 hồ chứa, 980 công trình tưới tự chảy; tổng chiều dài kênh mương đạt 2.268 km trong đó có 1.765 km kiên cố, 503 km kênh tạm; hệ thống các công trình thủy lợi dần chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, góp phần ổn định và cải thiện đời sống Nhân dân. Tăng cường thanh, kiểm tra các dự án trên địa bàn về công tác đảm bảo an toàn hồ chứa nước; đảm bảo dòng chảy tối thiểu theo quy định, nhất là trong các đợt cao điểm hạn hán, vụ mùa.

Bên cạnh kết quả bước đầu trong lãnh, chỉ đạo ứng phó với BĐKH, Lai Châu vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (về số lượng, quy mô các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản xuất gắn với xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh) còn hạn chế. Mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh mới chưa nhiều; phạm vi, quy mô dự án nhỏ. Số lượng chương trình, dự án về giảm phát thải khí nhà kính và tạo sinh kế cho cộng đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách tiếp nhận chưa nhiều. Một số khu vực có nguy cơ bị tác động do thiên tai chưa được đầu tư di dời.

Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chủ động ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai, Tỉnh ủy xác định tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW, Kết luận 56-KL/TW của Trung ương và các kế hoạch, quy định của tỉnh về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng xã hội và Nhân dân đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Tăng cường bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng nhằm giảm nguy cơ suy thoái và mất rừng; thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng; xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác nông, lâm nghiệp bền vững. Tăng cường năng lực quan trắc; nâng cao chất lượng môi trường, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Tiếp tục lồng ghép mục tiêu ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH./.

Tác giả: Vũ Võ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 2617 | lượt tải:47

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 2260 | lượt tải:39

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 3162 | lượt tải:84

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 3129 | lượt tải:56

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 4347 | lượt tải:143
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập118
  • Hôm nay19,405
  • Tháng hiện tại658,016
  • Tháng trước1,117,630
  • Tổng lượt truy cập32,548,933
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down