Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới Tây Bắc có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Là địa bàn cư trú của 20 dân tộc, trong đó 19 dân tộc thiểu số (chiếm 85% dân số), có 13 dân tộc sinh sống thành cộng đồng, có 4 dân tộc ít người và đặc biệt khó khăn (Cống, Mảng, La Hủ, Si La). Đời sống đồng bào các dân tộc Lai Châu chứa đựng những phong tục, bản sắc đa dạng, phong phú mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Xác định xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong việc tập hợp sức mạnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cùng với thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy đã lãnh đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Hằng năm, Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành dự tại các khu dân cư thuộc các xã phụ trách (mỗi năm trên 930 lượt). UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các tổ chức thành viên của MTTQ tỉnh cụ thể hoá các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy để phối hợp tổ chức Ngày hội, tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất cho việc tổ chức Ngày hội theo quy định. Các cấp uỷ đảng từ huyện đến xã xây dựng kế hoạch, phân công giao nhiệm vụ cấp ủy viên, cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức Ngày hội tại 100% khu dân cư.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Các cấp đã thông qua Ngày hội để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân; ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam gắn với phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, tinh thần yêu nước của người Việt Nam. MTTQ các cấp đã phát huy vai trò khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân để vận động, tuyên truyền phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc; đồng hành, chia sẻ, đồng thuận thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh; đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt khó; tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững. Tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phản bác trước các thông tin xấu độc, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong cộng đồng. Tại Ngày hội, các trò chơi truyền thống được tổ chức thi đấu: đẩy gậy, đi cà kheo, ném còn, tó má lẹ, tó cù… qua đó, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Lai Châu được bảo tồn và phát huy; tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, đoàn kết gắn bó của Nhân dân trong cộng đồng. Ngày hội là dịp để Nhân dân ở khu dân cư gặp mặt, sum vầy chia sẻ những kinh nghiệm hay, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong trong cuộc sống; qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, keo sơn, nghĩa tình, gắn kết cộng đồng; là dịp để ông, bà, cha, mẹ trao truyền những phong tục tập quán tốt đẹp của gia đình, dòng họ cho con cháu; các hộ gia đình động viên nhau chung tay xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các hành vi phạm pháp luật ở khu dân cư như: lạm dụng rượu, cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm, đánh bạc… Đặc biệt là việc tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết” để gắn kết các cộng đồng, tăng cường khối đại đoàn kết, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; đẩy lùi các mâu thuẫn, tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu trong Nhân dân; thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc. Đến nay đã có 89.350 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 85,6%, 712 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” đạt 74,4% và 6 phường, thị trấn đạt danh hiệu “phường, thị trấn văn minh đô thị” đạt 50%.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là giải pháp để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua tổ chức Ngày hội, công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân được đẩy mạnh nhằm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để cụ thể hóa và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Gắn với tổ chức Ngày hội các khu dân cư đã triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng chống mại dâm, HIV/AIDS, công tác dân số - KHHGĐ, dân tộc tôn giáo, đảm bảo an toàn gaio thông,... trong đó có các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, các xã biên giới và đạt hiệu quả.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ cơ sở. Qua 20 năm tổ chức Ngày hội, nội dung, hình thức, quy mô tổ chức ngày càng được đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, cơ sở. Những năm đầu, Ngày hội chỉ tổ chức ở một số khu dân cư, liên khu dân cư; với hình thức tổ chức nhỏ lẻ, chưa tổ chức được phần hội; nội dung phần lễ còn đơn điệu, chủ yếu là ôn lại truyền thống MTTQ Việt Nam… Đến nay, việc tổ chức Ngày hội ở các cấp, các đơn vị đã có nhiều sáng tạo; sự vào cuộc của các cấp ủy đảng; công tác tham mưu của MTTQ Việt Nam các cấp; công tác phối hợp của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội đảm bảo chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, xây dựng kịch bản và tổ chức các hoạt động diễn ra trước, trong, sau Ngày hội; bố trí lực lượng, sắp xếp thời gian phù hợp với mỗi khu dân cư đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã phát huy được vai trò làm chủ của Nhân dân, thể hiện nổi bật qua việc Nhân dân trực tiếp đối thoại, trao đổi với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội về những nguyện vọng chính đáng về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; về đời sống vật chất, tinh thần, về thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đồng thời, Nhân dân được bàn bạc, nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, đưa ra ý kiến xây dựng cộng đồng dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn ma túy, loại bỏ các phong tục lạc hậu, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống ở cộng đồng. Qua 20 năm tổ chức Ngày hội đã có trên 31.643 lượt ý kiến của người dân tham gia góp ý về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; quyền lợi của công dân; xây dựng đời sống văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thực tiễn Lai Châu vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Công tác lãnh, chỉ đạo tổ chức Ngày hội ở một số cấp ủy cơ sở đôi khi chưa sâu sát; phối hợp giữa chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên có việc chưa chặt chẽ; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội ở một số khu dân cư còn chậm chuyển biến; chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tiếp cận các vấn đề văn hóa, xã hội của một bộ phận Nhân dân. Ban Công tác Mặt trận ở một số khu dân cư chưa có nhiều các hình thức tuyên truyền, vận động, cổ vũ cho các hoạt động của Ngày hội. Một số đơn vị tổ chức phần hội có nội dung chưa phong phú, phù hợp nên chưa thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia; cơ sở vật chất phục vụ Ngày hội ở một số khu dân cư còn khó khăn.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy; phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên trong việc tổ chức Ngày hội, chú trọng công tác đổi mới nội dung và hình thức tổ chức; phối hợp đề xuất các giải pháp mới có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra điểm nhấn tích cực trong tổ chức phù hợp với từng địa bàn, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; tổ chức Ngày hội phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa, nhu cầu của Nhân dân và nhiệm vụ chính trị. Gắn kết việc tổ chức Ngày hội với sơ kết, tổng kết, phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương./.