Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Việt Nam, tỉnh có diện tích tự nhiên 9.068 km²; là tỉnh có tiềm năng đất hiếm lớn nhất Việt Nam, đây là điều kiện để tỉnh phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; có nguồn thuỷ năng lớn để phát triển ngành công nghiệp thủy điện; có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với các vùng nguyên liệu lớn như: Chè, mắc ca, sơn tra, chuối, sắn, quế, gạo đặc sản, cây ăn quả, dược liệu, cao su, cá nước lạnh...
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động và Nhân dân trong tỉnh. Các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đã tăng cường tuyên truyền về nội dung Nghị quyết bằng nhiều hình thức như: đăng tải tin, bài, phóng sự, mở các chuyên mục; lựa chọn các tin, bài tiêu biểu để tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Thái, Mông, Dao, Hà Nhì. Đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp.
Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -xã hội các cấp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thữc tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tỉnh đã quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp phát triển, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm và thủy sản theo hướng phát triển tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xu thế phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Tập trung nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, Khu công nghiệp Mường So và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến nay khu Công nghiệp Mường So đã thu hút 8 dự án đầu tư, cụm công nghiệp Than Uyên đã lựa chọn được chủ đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo đúng định hướng, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 33% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 7.598,48 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2018; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2022 tăng 5,34%/năm, tập trung vào các ngành có tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh có 160 dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất 4.271,35MW, điện lượng trung bình năm đạt 15.549 triệu kWh; 122 dự án được cấp chủ trương đầu tư với quy mô tổng công suất 3.866,15MW, điện lượng trung bình năm 14.144 triệu kWh, trong đó có 46 dự án hoàn thành phát điện thương mại với tổng công suất lắp máy 2.836,85MW, điện lượng trung bình năm 10.668 triệu kWh. Các dự án thủy điện đã hoàn thành đang phát điện thường xuyên, an toàn, ổn định, góp phần bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cung cấp lên hệ thống lưới điện quốc gia, hàng năm đóng góp trên 60% cho nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Sản lượng chè khô chế biến đạt 10.700 tấn/năm, xuất khẩu trên 3.600 tấn/năm; hiện đang đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ với công suất thiết kế 5.000 tấn/năm, 2 nhà máy chế biến mắc ca với công suất thiết kế 6.000 tấn quả tươi/nhà máy/năm; một số cơ sở chế biến tinh dầu quế; 1 hợp tác xã chế biến chuối với công suất thiết kế 100 tấn chuối tươi nguyên liệu/năm; 78 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ với quy mô nhỏ; hàng năm chế biến trên 8.000m3 gỗ gồm các sản phẩm mộc dân dụng, gỗ cốp pha phục vụ xây dựng.
Công nghiệp khai thác khoáng sản cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn, trong đó sản lượng khai thác đá năm 2022 đạt 835.775m3, cát xây dựng đạt 44.780m; có 5 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác, chế biến gồm: khai thác và chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao, huyện Tam Đường; khai thác quặng đồng tại mỏ Dần Thàng và Nậm Pửng, huyện Sìn Hồ; khai thác chì - kẽm tại mỏ Si Phay, huyện Phong Thổ và 01 nhà máy chế biến quặng đồng tại huyện Tam Đường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2022 chưa đạt kế hoạch đề ra; tăng trưởng công nghiệp chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên; tỷ trọng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp thấp. Sản phẩm hàng hóa công nghiệp chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại còn hạn chế. Phát triển công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn đầu tư tại tỉnh; tiến độ triển khai một số dự án đầu tư về công nghiệp như dự án khai thác, chế biến đất hiếm còn chậm;…
Để ngành công nghiệp tiếp tục phát triển bền vững, trong thời gian tới tỉnh xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp về vai trò của phát triển công nghiệp đối với kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp trong từng giai đoạn phù hợp với điều kiện phát triển trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực; đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn; Rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm,…
Tác giả: Nguyễn Hương