Đại đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, chính tinh thần đoàn kết triệu người như một của toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tạo nên sức mạnh phi thường, giúp cho chúng ta chiến thắng bất cứ kẻ thù nào, dù chúng hùng mạnh và nguy hiểm đến bao nhiêu. Ngày nay sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là những chướng ngại lớn trên con đường chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Bởi lẽ, họ đã thấy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nên để chống phá Đảng, cách mạng Việt Nam thì phải phá vỡ sức mạnh này. Vùng Tây Bắc có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng; đây là nơi có hơn 30 đồng bào các dân tộc sinh sống, trong đó đổng bào dân tộc ít người chiếm trên 65%; địa bàn rừng núi hiểm trở, còn nhiều khó khăn. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc trong vùng đã được nâng lên, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, một số phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn trong một bộ phận nhân dân... Vì vậy, các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Trong lịch sử đầu tranh của nhân dân các dân tộc trong vùng Tây Bắc, chúng ta đã chứng kiến thủ đoạn thâm độc trong chính sách “chia để trị” của kẻ thù xâm lược. Thời kỳ Pháp thuộc chúng xây dựng bộ máy cai trị theo chế độ quân quản lập lên “Xứ Thái tự trị”; “Vùng Mèo tự quản”, nuôi dưỡng thổ ty, cường hào để lừa bịp, bóc lột nhân dân. Chúng cho bọn tay sai của dân tộc này đi đàn áp, cướp bóc của dân tộc khác để gây thù oán giữa các dân tộc... Nhân dân các dân tộc không cam chụi áp bức, bóc lột đoàn kết, sát cánh bên nhau đứng lên chống Thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Nổi bật như: Cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh Lường Xám; cuộc khởi nghĩa của đồng bào Mông, đồng Dao ở Tủa Chùa; cuộc khởi nghĩa của Thủ lĩnh Giàng Tả Chay... Đến khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân các dân tộc trong vùng đã đoàn kết một lòng theo Đảng, ủng hộ cách mạng, giúp đỡ cán bộ, bộ đội đấu tranh đánh đuổi kẻ thù, giải phóng quê hương, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với đánh phá bằng đường không, chúng còn tung các toán gián điệp, biệt kích vào hoạt động trên địa bàn vừa nắm tình hình chỉ điểm đánh phá, vừa móc nối, kích động bọn phản động địa phương tuyên truyền gây chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc, phá hoại chính sách định canh, định cư, nghĩa vụ quân sự; tung ra các luận điệu ma chài, xưng vua tại một số xã vùng cao... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể các địa phương tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân về âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, nhân dân các dân tộc đã nâng cao tinh thần cảnh giác, phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực, chủ động tham gia phòng gian bảo mật, cung cấp thông tin cho bộ đội, công an đấu tranh, bóc gỡ các ổ gián điệp, phản động, giữ gìn trị an; động viên con em lên đường nhập ngũ, chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “thóc không thiếu một cân”, “quân không thiếu một người”; tham gia xây dựng xã, bản chiến đấu, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc bằng nhiều thủ đoạn, chiêu bài tinh vi, xảo quyệt. Một trong những thủ đoạn đó là chúng thường kích động nhân dân, thổi phồng, khuếch đại các vấn đề “nhạy cảm” trong xã hội; lợi dụng những yếu kém trong quản lý của các cấp chính quyền rồi thổi phồng, từ cá biệt chúng cho là toàn thể,... làm cho người dân từ nghi ngờ đến mất lòng tin vào Đảng, chế độ. Chúng xuyên tạc một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo để gây dư luận xấu trong nhân dân. Lợi dụng tình hình đời sống của số đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung để chúng kích động, lừa bịp thông qua các hoạt động “tôn giáo”, “dân tộc”. Thâm độc hơn chúng còn dựng lên cái gọi là “Vương quốc Mông” để làm cái cớ chia rẽ đồng bào các dân tộc trong vùng. Chúng vận động đồng bào người Mông về “một miền đất hứa” mọi người sẽ được “ban sức khỏe, hạnh phúc, không làm cũng có ăn, sự giàu sang và phú quý”, “Những người Mông đến đây sẽ được chúa trời giáng trần cứu thế”,…làm cho một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin nghe theo, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, như vụ tập trung đông người ở Mường Nhé (Điện Biên) năm 2011, vụ Tà Tổng (Mường Tè) năm 2020. Phương thức hoạt động chủ yếu được các thế lực thù địch thực hiện trên internet, website, blog,… để đăng tải các bài viết, hình ảnh, chế phim xuyên tạc; lợi dụng các phương tiện phát thanh, phát tán tài liệu phản động, tuyên truyền miệng, rỉ tai, “nửa kín nửa hở” để tung tin thất thiệt, sai lệch về đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Từ đó chúng tiếp tục khoét sâu tâm lý ly khai, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết các dân tộc...
Trước âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp của các địa phương đẩy mạnh công tác nắm tình hình, chủ động, kịp thời xử lý những vẫn đề phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn vời nhiều cách làm sáng tạo, tỉnh Lai Châu với phương châm: tỉnh nắm xã, huyện nắm bản, xã nắm đến hộ dân. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân các dân tộc nâng cao lòng yêu nước, truyền thống đại đoàn kết giữa các dân tộc; hiểu rõ chính sách dân tộc nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ”; cùng với đó xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu, ngoan cố, lợi dụng để tuyên truyền, kích động nhân dân gây mất an ninh trật tự trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Tuyên truyền làm cho nhân dân các dân tộc hiểu rõ các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của nhân dân các dân tộc Tây Bắc với các khu vực khác trong cả nước, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trung vùng từng bước được nâng cao.
Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân dân các dân tộc đã tích cực tham gia, đấu tranh, tố giác phòng, chống tội phạm, cung cấp hàng nghìn thông tin, trong đó nhiều thông tin có giá trị cho các cơ quan, lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên đã xây dựng được 14 loại mô hình về an ninh trật tự tại 100% khu dân cư; 13 loại mô hình về bảo vệ môi trường; 12 mô hình tự quản về thực hiện nếp sống văn minh. Tỉnh Sơn La triển khai đồng bộ, hiệu quả các phong trào, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được giữ vững, ổn định và đạt được nhiều kết quả quan trọng; năm 2023 tỷ lệ phạm pháp hình sự trên địa bàn giảm 14,33%; thụ lý, giải quyết 666 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đạt 92,37%; điều tra, làm rõ 3.370 vụ việc về trật tự xã hội (đạt 99,63%); bắt, vận động đầu thú 31 đối tượng truy nã... Tỉnh Lai Châu hiện đang duy trì 44 mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và được nhân rộng ra 570 mô hình khác. Tiêu biểu như các mô hình: “Điểm sinh hoạt tôn giáo thuần túy bảo đảm an ninh trật tự”, “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”, “Camera an ninh”, “Bản bình yên bảo đảm an ninh trật tự”, “Phụ nữ vận động chồng con không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội”, “Móc khóa an ninh”, “Cụm liên kết giáp ranh các xã về bảo đảm an ninh trật tự”… Nổi bật như huyện Sìn Hồ đã xây dựng 62 mô hình an ninh trật tự và đưa 21 xã và thị trấn ra khỏi danh sách xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Tại bản Giàng Ly Cha (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè), kể từ sau sự kiện tụ tập trái phép năm 2020, những năm qua, bà con dân bản đã nhận thức được bộ mặt thật của những đối tượng xấu nên không nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo của chúng. Những buổi sinh hoạt tôn giáo (điểm nhóm sinh hoạt thuần tuý đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động) của bà con luôn xoay quanh những giáo lý tốt đẹp, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương. Các hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được coi trọng. Cùng với việc lưu trữ, truyền dạy văn hóa truyền thống, các huyện, thành phố trong tỉnh Lai Châu duy trì việc tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống các dân tộc hằng năm; tổ chúc các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc... Qua đó khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc; thúc đẩy sự hiểu biết và xích lại gần nhau, có tiếng nói chung trong tình đoàn kết các dân tộc. Trong đó, huyện Than Uyên có những cách làm mới, duy trì hằng năm tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc gắn với tổ chức “Tết độc lập” vào ngày 2/9 và xây dựng nếp sống mới vùng đồng bào dân tộc Mông. Sau 5 năm thực hiện cam kết “Nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông”, với 8 việc nên làm và 8 việc không nên làm, sau đó rút ngắn lại thành “5 việc phải làm và 5 việc không làm”, đồng bào dân tộc Mông ở Than Uyên không di cư tự do, không bị tác động của kẻ xấu; không đốt phá rừng làm nương; việc cưới, việc tang được tổ chức tiết kiệm, đúng thời gian quy định; không có hiện tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động tôn giáo; 100% các bản người Mông không có hộ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao...
Những kết quả trên góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc Tây Bắc với Đảng, Nhà nước; tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc, làm thất bại âm mưu chống phá Đảng, chế độ ta của các thế lực thù địch, xây dựng vùng Tây Bắc ổn định và từng bước phát triển bền vững.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu chống phá công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta. Chúng sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và thâm độc hơn. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường công tác phòng, chống làm thất bại âm mưu của chúng bằng những giải pháp đồng bộ với tinh thần quyết tâm, quyết liệt và hiệu quả hơn. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp về âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch, nhất là thủ đoạn mới của chúng. Đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào hiểu và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về dân tộc, tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc; về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, sự ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trong tuyên truyền cần triển khai đồng bộ các biện pháp, kết hợp giữa tuyên truyền trên hệ thống truyền thông đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở, internet, zalo, facebook... với tuyên truyền miệng. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng ở cơ sở và có phương pháp phù hợp, gần gũi, chia sẻ, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, kiên trì, nói đi đôi với làm để đồng bào hiểu, tin và ủng hộ. Gắn với tăng cường nắm chắc tình hình cơ sở, kịp thời xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả, không để xảy ra các “điểm nóng” liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống phá.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, nhất là các nghị quyết, chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của đồng bào. Tiếp tục triển khai các phong trào thi đua yêu nước; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; phong trào phòng, chống tố giác tội phạm; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh... Triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, gắn vói tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc, tăng cường sự hiểu biết và xích lại gần nhau hơn giữa các dân tộc trong vùng. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, nhất là cấp cơ sở. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, với chế độ, sẽ là “bức tường” vững chắc không thế lực nào có thể chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng Tây Bắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa./.