Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn học, nghệ thuật (1). Kịp thời cụ thể hóa trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ, các nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình, kế hoạch với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở (2). Đồng thời, ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển văn học, nghệ thuật vừa đảm bảo phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, bối cảnh lịch sử và xã hội của đất nước, của tỉnh đã có những thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa; những chuyển biến này đã mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung và văn học, nghệ thuật của tỉnh nói riêng. Các giá trị như tự do cá nhân, ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội trở nên nổi bật hơn trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Chính sách mở cửa và hội nhập, nghệ thuật Việt Nam đã tiếp nhận ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác, tạo ra sự phong phú trong nghệ thuật, trong đó có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại... Trong bối cảnh đó, đặc biệt từ khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 125-NQ/TU, ngày 20/7/1981 về thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cùng với các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn học, nghệ thuật đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ trong tỉnh để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh sinh động công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong từng giai đoạn, dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng đội ngũ văn nghệ sỹ, những nghệ nhân dân gian của tỉnh đã không ngừng sáng tác, sáng tạo để gìn giữ và làm phong phú thêm, giàu có thêm những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; đóng góp tích cực vào sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Công tác phát triển tổ chức hội, hội viên được quan tâm thực hiện, nhiều chi hội văn học - nghệ thuật, chi hội chuyên ngành được thành lập và củng cố. Kể từ khi thành lập, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức thành công sáu kỳ Đại hội; chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đội ngũ văn nghệ sỹ phát triển, tâm huyết, sáng tạo, là lực lượng nòng cốt, trực tiếp phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ được quan tâm thực hiện theo các chuyên ngành để tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm bản sắc địa phương, phản ánh rõ nét công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu, đóng góp quan trọng nêu trên, hoạt động văn học, nghệ thuật của Lai Châu cũng còn một số hạn chế như: Còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc, đúng tầm vóc, tương xứng với những thành tựu công cuộc đổi mới, chưa có nhiều tác phẩm nổi bật có sức lan toả sâu rộng trong đời sống xã hội; đội ngũ văn nghệ sĩ, tác giả trẻ, tác giả người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn ít; hoạt động nghiệp vụ của các chi hội nhìn chung chưa đồng đều,…
Tuy còn có những hạn chế nhưng có thể khẳng định rằng, văn học, nghệ thuật Lai Châu 50 năm sau ngày đất nước giải phóng đã có nhiều đóng góp rất tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển của tỉnh. Đội ngũ văn nghệ sỹ, các nghệ nhân đã khẳng định được năng lực, trình độ, sự tâm huyết và ý thức trách nhiệm với đồng bào các dân tộc và sự nghiệp phát triển của tỉnh. Văn học, nghệ thuật xứng đáng nhận được sự tri ân, tôn vinh của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước khi bước vào kỷ nguyên vươn mình, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền văn hóa, văn học - nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; xây dựng con người Việt Nam mới, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước, của tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, văn học, nghệ thuật Lai Châu cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức sáng tác, phản ánh một cách sinh động đời sống con người và vùng đất nơi biên cương Tổ quốc. Trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về văn hoá, văn học nghệ thuật; trọng tâm là Kết luận số 84-KL/TW, ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; Chỉ thị 12-CT/TU, ngày 23/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ ngày 30/12/2024 tại Hà Nội... Trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển của Hội, xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác văn học, nghệ thuật, đề ra giải pháp cụ thể; hơn lúc nào hết, văn học, nghệ thuật phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ to lớn, nặng nề của đất nước, của tỉnh trong kỷ nguyên mới.
Thứ hai, quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ của tỉnh một cách toàn diện; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ, đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của văn nghệ sỹ. Mỗi văn nghệ sỹ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm cho mỗi tác phẩm của mình phản ánh chân thực cuộc sống. Trong thời kỳ phát triển mới, những sáng tác văn học, nghệ thuật cần góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống; khơi dậy ở mỗi con người lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, niềm tin vào lý tưởng và đường lối của Đảng.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, để Hội thực sự xứng đáng là nơi tập hợp, động viên đội ngũ văn nghệ sỹ của tỉnh sáng tạo, nghiên cứu, phê bình, định hướng thẩm mĩ và năng lực thụ hưởng văn hóa cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các chi hội; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội, nâng cao chất lượng hội viên, nhất là đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chức năng trong việc phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Đề cao trách nhiệm, ý thức tự nguyện của đội ngũ văn nghệ sỹ trong công tác đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, để mỗi tác phẩm được sáng tạo ra thực sự có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của Nhân dân trong tình hình mới.
(1) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 84-KL/TW, ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị..
(2) Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 17/11/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Chỉ thị 12-CT/TU, ngày 23/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030…