Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam
Chủ nhật - 29/05/2022 05:265720
Ngày 29/5, tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc đối thoại với nông dân Việt Nam, với chủ đề: Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với 62 điểm cầu trong cả nước.
Dự Hội nghị tại tỉnh Sơn La có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự tại tỉnh Sơn La. Tại điểm cầu tỉnh, dự Hội nghị có đồng chí Hà Trọng Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, một số sở, ban, ngành. Các hội viên nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Lai Châu tham dự Hội nghị ở cả 2 điểm cầu Sơn La và tỉnh Lai Châu.
Tham gia đối thoại, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân đã nêu các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tập trung vào một số nội dung chính như: Bình ổn giá, vật tư đầu vào sau ảnh hưởng dịch bệnh. Chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chế biến sâu; hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong chế biến nông nghiệp công nghệ cao; chính sách về đất đai; chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tăng nguồn cho nông dân hồi phục sản xuất; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn không cần tài sản thế chấp mà vẫn đảm bảo các quy định hiện hành. Giải pháp ngăn chặn đẩy lùi nạn tín dụng đen ở các vùng nông thôn…
Được biết, đến trước ngày 23/5, đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới người đứng đầu Chính phủ. Trong đó tập trung đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương làm rõ tình hình cũng như các phải pháp giảm bớt khó khăn cho nông dân liên quan đến: giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19; các vấn đề liên quan đến những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai và nhiều ý kiến kiến nghị, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai; vấn đề về thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp; vấn đề khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa nông thôn; đặc biệt là các chính sách, chiến lược liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, căn cơ.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống. Chính vì vậy, sau khi dịch đã vãn phải xây dựng một nền kinh tế (trong đó có nền kinh tế nông nghiệp) độc lập, tự chủ; chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất và hiệu quả; không mất bình tĩnh vì sự tác động bên ngoài. Chia sẻ và thông cảm với những khó khăn, thách thức mà người nông dân đang phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn ngành Nông nghiệp phải bám sát thực tiễn đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết vấn đề của thực tiễn; phát huy nội lực, thành tích để phát triển và tự tin phát triển.
Nhấn mạnh về ý nghĩa của sự đoàn kết, thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, các cấp, ngành, đồng chí mong muốn cả hệ thống chính trị hãy cùng ngành Nông nghiệp và nông dân giải quyết khó khăn, thách thức. Bản thân ngành Nông nghiệp và nông dân phải phát huy nội lực là chính, không bỏ qua ngoại lực. Ở mỗi cương vị, mỗi người phải phát huy tối đa trách nhiệm trên cương vị của mình để xử lý các khó khăn, thách thức, vượt qua chính mình.. .
Ngành Nông nghiệp và nông dân cũng cần tăng cường đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để không phụ thuộc vào một thị trường; kết nối chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng thúc đẩy phát triển nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị với nhau, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam là diễn đàn để các đại diện nông dân, các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19…
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế