Bước vào năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina; trong nước các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị không ngừng tổ chức các hoạt động chống phá công cuộc xây dựng và phát triển đất nước... Quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về nhiệm vụ QP-AN, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp công tác QP-AN, trong đó đặc biệt chú trọng công tác giáo dục QP-AN, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về nhiệm vụ quan trọng này.
Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp được kiện toàn đúng, đủ thành phần theo quy định, tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục QP-AN đồng bộ, rộng khắp với nhiều hình thức phù hợp.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP-AN được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú. Các cơ quan báo chí duy trì các chuyên mục “Quốc phòng Lai Châu”; Vì chủ quyền an ninh biên giới”; “Phổ biến pháp luật”, trong năm Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phát sóng hơn 450 tin bài; Báo Lai Châu đã đăng tải trên 360 tin bài…; ngành văn hóa tuyên truyền trực quan, lồng ghép trong các hoạt động thông tin lưu động, chiếu bóng vùng cao; đồng thời phát huy tốt vai trò của hệ thống truyền thanh cơ sở trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP-AN; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền miệng. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, hoạt động kỷ niệm… Nội dung tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP-AN; giáo dục truyền thống của lực lượng vũ trang, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời vận động giáo dục nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng trước những âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới quốc gia; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tập trung giữ vững ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo quy định được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm đúng nội dung, chương trình, đối tượng và được chú trọng về chất lượng. Năm 2022, tỉnh đã mở trên 50 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức QP-AN cho 2.602 người, trong đó đối tượng 2 là 30 người, đối tượng 3 là 169 người, đối tượng 4 là 2.334 người, còn lại là các đối tượng khác. Giáo dục QP-AN trong các trường học được thực hiện đầy đủ, đúng quy định theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Quốc phòng. Để chủ động trong việc bố trí giáo viên giảng dạy môn học giáo dục QP-AN trong các trường phổ thông, ngành giáo dục tỉnh đã chủ động phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, đến nay toàn tỉnh có 30 giáo viên tham gia giảng dạy môn học QP-AN, trong đó có 2 giáo viên đại học QPAN, 4 giáo viên văn bằng hai, 14 giáo viên được bồi dưỡng QP-AN 6 tháng... Các trường học thực hiện chương trình giảng dạy môn học giáo dục QP-AN cho học sinh đảm bảo nghiêm túc; nội dung phân phối chương trình đúng quy định, lấy đầu mối lớp học để tổ chức giảng dạy. Đặc biệt là giáo dục QP-AN trong trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khoá phù hợp với lứa tuổi. Bảo đảm cho học sinh hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên trong các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh cũng được coi trọng. Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố đã lồng ghép nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, đảng viên và được kiểm tra, đánh giá chất lượng nghiêm túc.
Cùng với đó công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về công tác quân sự - quốc phòng được tăng cường. Ban Tuyên giáo các cấp chủ động phối hợp với các lực lượng triển khai các biện pháp đấu tranh phản bác, nhất là trên internet, mạng xã hội, duy trì có hiệu quả hoạt động các trang facebook, fanpage, yutube của Ban chỉ đạo 35 các cấp. Đồng thời tuyên truyền nêu cao cảnh giác, đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do ngôn luận làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc...
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng giúp các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ QP-AN của đất nước trong tình hình mới; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của Đảng bộ tỉnh và toàn xã hội về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đặc biệt, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác quân sự - quốc phòng năm 2022, nổi bật là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững, tạo đà cho tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN của tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Chất lượng tham mưu về công tác giáo dục QP-AN của một bộ phận cán bộ làm công tác giáo dục QP-AN càn hạn chế; một số đồng chí chưa chủ động trong tham mưu, nhiều văn bản mới chưa cập nhất; đội ngũ giáo viên chuyên trách giáo dục QP-AN của các trường học còn thiếu về số lượng, một số chưa đạt chuẩn về kiến thức; chất lượng môn học của một trường chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực QP-AN có nội dung, có thời điểm còn hạn chế, chưa có chiều sâu...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tỉnh Lai Châu xác định: Tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, quyết liệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, hướng dẫn, quy định của các bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, đặc biệt là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thường xuyên kiện toàn Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp theo quy định; điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động cho phù hợp; phát huy tốt vai trò tham mưu của Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giáo dục QP-AN và công tác tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục QP-AN trên địa bàn tỉnh.
Bám sát các văn bản chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn của địa phương, cụ thể hóa và triển khai thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho phù hợp, bảo đảm thiết thực, chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong triển khai công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN một cách đồng bộ, triệt để và thống nhất. Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức cần chủ động rà soát, bổ sung và thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở. Lấy kết quả thực hiện công tác này là một tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ chủ trì các cấp. Chú trọng phát huy vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an trong phối hợp công tác với các ban, ngành, đoàn thể, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN là nhiệm vụ rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước và của tỉnh, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm, quán triệt và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”./.