Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác tư tưởng, lý luận, thực hiện Quyết định số 27-QĐ/TW, ngày 10/8/2021 của Ban Bí thư về việc ban hành Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Tỉnh ủy Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận trên địa bàn tỉnh với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.
Chuyển đổi số trong học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng
Công tác nghiên cứu lý luận được các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng thực hiện thông qua đổi mới việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của Đảng bộ tỉnh. Một bước tiến mới trong tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết những năm qua đã được Tỉnh ủy áp dụng là phương pháp trực tuyến. Căn cứ yêu cầu, nội dung của từng nghị quyết, chỉ thị, kết luận,.. cấp ủy các cấp có nhiều hình thức tổ chức quán triệt, học tập phù hợp, tăng cường hình thức học trực tuyến. Đến nay, tỉnh Lai Châu có trên 90% hội nghị quán triệt, học tập các chủ trương, nghị quyết của Đảng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối đến cơ sở; một số hội nghị được truyền hình, phát trực tiếp qua sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; trên các nền tảng mạng xã hội... Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy đã chỉ đạo, tổ chức 26 hội nghị trực tuyến kết hợp với trực tiếp nghiên cứu, học tập các chủ trương, nghị quyết của Đảng với 2.577 điểm cầu/106.102 đại biểu; Các hội nghị đều cung cấp tài liệu cho người học thông qua quét mã QR code. Hầu hết báo cáo viên đều xây dựng slide trình chiếu khoa học, hấp dẫn thu hút người học tham gia đầy đủ, nghiêm túc các lớp quán triệt, học tập; bước đầu thực hiện kiểm tra, đánh giá nhận thức của người học được thực hiện bằng hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm qua phần mềm trực tuyến, nhờ đó đánh giá chính xác, nhanh chóng nhận thức của cán bộ, đảng viên sau khi học tập.
Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy lý luận chính trị
Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy lý luận chính trị (LLCT). 100% giảng viên chuyên trách đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng, soạn giáo án trên ứng dụng powerpoint với cách trình bày ngắn gọn, sinh động, hấp dẫn. Nhiều giảng viên kiêm chức đã chú trọng xây dựng giáo án điện tử, sử dụng máy chiếu, bảo đảm phù hợp với xu thế của thời kỳ cách mạng 4.0. Một số trung tâm chính trị cấp huyện sử dụng phần mềm hỗ trợ như Google biểu mẫu, trang tính, trang trình bày thu hút học viên quan tâm và dễ dàng ghi nhớ nội dung bài giảng ngay từ trên lớp. Chú trọng đổi mới trong việc ra đề thu hoạch như xây dựng ngân hàng câu hỏi, bộ đề trắc nghiệm; thực hiện bài thu hoạch cuối khóa bằng phương pháp kết hợp các hình thức thi tự luận, vấn đáp, kết hợp câu hỏi tự luận và trắc nghiệm… Năm 2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm chính trị cấp huyện xây dựng bộ giáo án gồm 125 chuyên đề với 2 loại hình giáo án viết và giáo án điện tử dùng chung cho hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục LLCT trong tình hình mới.
Ứng dụng các nền tảng mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền, các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp, kế hoạch cụ thể, thiết thực mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Ban chỉ đạo 35 các cấp chỉ đạo thành lập các fanpage truyên truyền, lan tỏa thông tin trên mạng xã hội; các lực lượng tích cực đăng tải, chia sẻ, lan toả các thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trên internet, mạng xã hội gắn với tuyên truyền đấu tranh, phản bác hiệu quả các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Toàn tỉnh hiện có 400 trang TTĐT của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, trong đó có 20 trang TTĐT được cấp phép, hơn 60 cơ quan, đơn vị, 12/12 đảng bộ trực thuộc, hơn 100 xã, phường, thị trấn có trang Facebook, Zalo hoạt động cơ bản ổn định, bên cạnh đó cán bộ, đảng viên còn dùng zalo, Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ bài viết từ các báo điện tử, trang thông tin điện tử, tình hình hoạt động của cơ quan đơn vị, địa phương mình để lan tỏa các thông tin tích cực, lấn át các thông tin xấu độc trên mạng xã hội qua đó góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, cơ hội.
Đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, lý luận chính trị thông qua tổ chức các hội thi, cuộc thi trực tuyến
Từ năm 2022 đến nay, Lai Châu đã tổ chức 2 cuộc thi trực tuyến, 3 cuộc khảo sát, đánh giá chất lượng bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, 8 cuộc điều tra dư luận xã hội về về tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của đảng bằng hình thức trắc nghiệm trên internet với 580.200 lượt người tham gia. Đây là hình thức tuyên truyền có sự lan toả sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên đến học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm rõ chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nâng cao chất lượng phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Số hóa nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng
Ứng dụng công nghệ số, truyền thông hiện đại đã trở thành công cụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận chính trị tại tỉnh. Các cơ quan báo chí của tỉnh đã ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nội dung số và nâng cao chất lượng trải nghiệm của công chúng. Qua đó, cho phép Nhân dân chủ động tiếp cận các chương trình phát thanh, truyền hình và tin tức trên các thiết bị thông minh mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian hay vị trí địa lý... Các chuyên đề, chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” “Đảng trong cuộc sống hôm nay”, “Văn bản chính sách mới”, “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Vì biển, đảo quê hương”... thường xuyên đăng tải tin, bài, ảnh tuyên truyền giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, Nhân dân; tuyên truyền tình hình, kết quả công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia đã được người dân chia sẻ, lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt tương tác từ khán thính giả trong và ngoài tỉnh. Thông qua đó, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được củng cố, góp phần thực hiện hiệu quả sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng và lý luận chính trị ở Lai Châu vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, toàn diên; hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất chưa đáp ứng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; năng lực vận hành các phương thức truyền thông mới của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa kịp thời.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh cần: tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, hệ thống tuyên giáo các cấp đưa chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác tư tưởng và lý luận chính trị; Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, đảm bảo điều kiện kết nối internet ổn định; phát triển nội dung số đa phương tiện, xây dựng các sản phẩm tuyên truyền hấp dẫn, dễ tiếp cận như video, đồ họa thông tin (infographic); chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ truyền thông, đặc biệt là lực lượng nòng cốt, để có khả năng làm chủ thông tin, tạo sản phẩm tuyên truyền hấp dẫn, tích cực.
Chuyển đổi số là cơ hội và cũng là thách thức để Lai Châu nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận chính trị. Với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, tỉnh Lai Châu hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng trong ứng dụng công nghệ số, góp phần xây dựng một nền tảng chính trị tư tưởng vững chắc, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển.