Tăng cường lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh
Thứ hai - 06/11/2023 07:571.5680
Đất đai là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Ở nước ta, đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát triển của tất cả các ngành kinh tế. Đất đai là yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh; môi trường sống của con người và các sinh vật khác. Việc quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả sẽ giúp khai thác và sử dụng đất đai một cách hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội; giúp ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường tự nhiên; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, việc quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước và từng địa phương. Hiện nay, chúng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về đất đai như: ô nhiễm, suy thoái đất đai, tranh chấp đất đai, khiếu kiện về đất đai. Việc quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả sẽ giúp giải quyết các vấn đề nói trên, góp phần ổn định xã hội. Mặt khác, đất đai là yếu tố quan trọng trong bảo vệ lãnh thổ, việc quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả sẽ góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nhận thức được điều đó, 10 năm qua tỉnh Lai Châu rất quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Ngày 11/4/2013, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về “tăng cường lãnh đạo công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các ngành liên quan quán triệt, tuyên truyền, triển khai, trọng tâm là tổ chức đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
Bằng nhiều giải pháp truyền thông, đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân đối với việc quản lý và sử dụng đất. Nhờ đó, tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất ở, đất sản xuất cho các hộ tái định cư các công trình thủy điện, cấp giấy chứng nhận đất phát triển cây cao su. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng được coi trọng, chất lượng nâng lên khá rõ nét. Bước đầu đã xây dựng được bộ số liệu, hồ sơ địa chính các cấp trên địa bàn một số huyện, thành phố phục vụ việc quản lý đất đai, đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai các cấp và kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với Trung ương. Góp phần tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết quả đạt được khá tích cực, song so với yêu cầu đặt ra vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục nỗ lực, như việc đo đạc lập bản đồ địa chính, bàn giao giấy chứng nhận cho người dân và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vẫn còn chậm; diện tích đã được đo đạc bản đồ địa chính chính quy vẫn còn đạt tỷ lệ thấp; chất lượng hồ sơ địa chính còn hạn chế, quản lý có nơi thiếu chặt chẽ; việc cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai ở các cấp chưa thường xuyên, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân của hạn chế trên xuất phát từ chính sách, pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi; nguồn lực của tỉnh và hỗ trợ của Trung ương có hạn. Mặt khác, do các yếu tố lịch sử, hồ sơ, tài liệu đất đai trước đây có độ chính xác thấp, không đồng bộ, biến động nhiều; nguồn gốc đất đai phức tạp, còn có sự chồng lấn giữa các chủ sử dụng đất; trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận; năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ ngành tài nguyên môi trường, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai của tỉnh trong thời gian tới, ngày 13/10/2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 584-KL/TU về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường lãnh đạo công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Đồng thời yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh. Nhất là việc tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.
Cùng với việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về đất đai, phải thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phối hợp thực hiện; nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham mưu quản lý đất đai. Tập trung huy động và ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo bản đồ địa chính chính quy và Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính các huyện biên giới.
Tổ chức rà soát, cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp đủ điều kiện; bàn giao giấy chứng nhận đã cấp cho người dân, nhất là số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm trên địa bàn huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Phong Thổ và Than Uyên để người dân ký hợp đồng góp đất trồng cây cao su.
Quản lý và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai trên nền tảng công nghệ, liên thông, chia sẽ cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa mục tiêu. Rà soát, bổ sung, sửa đổi bộ thủ tục hành chính về quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận. Quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm phục vụ công tác quản lý đất đai,… Cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai thống nhất, đồng bộ và kết nối liên thông trong năm 2025.
Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh để giải quyết các vấn đề liên quan đến địa giới hành chính tỉnh. Tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai ngay tại cơ sở. Cơ bản khắc phục được những vướng mắc còn tồn tại về quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; vấn đề trùng lấn, sai sót về chủ sử dụng đất, loại đất; bố trí quỹ đất cho cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp và đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh; phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giám sát, phản biện và tham gia quản lý và sử dụng đất đai.
Việc quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Lai Châu nói riêng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế