Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Sáng 27/11, Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông). Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở ngành tỉnh, các huyện, thành phố.
Tam nông có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện, nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành.
Sau 10 triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW trong cả nước, đến nay đã đem lại những kết quả to lớn: Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế mỗi địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng lên, năm 2017 đạt 90,1 triệu đồng/ha đất trồng trọt. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008. Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm; năng suất lao đọng trong nông nghiệp tăng nhanh hơn 6,48%/năm; độ che phủ rừng tăng mạnh đạt 41,45%. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn có xu hướng tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp bình quân đạt 12,2% giai đoạn 2008-2017. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp trong cơ cấu thu nhập bình quân đầu người/tháng khu vực nông thôn tăng 60,5 lên 73%.
Tính đến hết 30/6/2018 cả nước đã có 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,49 lần từ 9,15 triệu đồng (năm 2008) lên 32 triệu đồng (năm 2017). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần (năm 2017). Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghiệp, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn, hiệu quả cao hơn với 34.048 trang trại. Đã có nhiều hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cũng trong 10 năm qua, hàng loạt chính sách về tam nông đã được sửa đổi theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và ưu đại hơn cho nông nghiệp, nông thôn. Tổng số ngân sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng; tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao, bình quân đạt 17%/năm giai đoạn 2014-2017. Tổng dư nợ cho vay ngành nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Đối với tỉnh Lai Châu, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo cấp uỷ chính quyền địa phương bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn địa phương kịp thời triển khai các nhiệm vụ về phát triển tam nông đã đạt những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, bình quân giai đoạn 2008-2017 đạt 3,85%; giá trị sản xuất tăng bình quân 5-6%//năm. Thu nhập bình quân của cư dân nông thôn năm 2017 đạt 11.8 triệu đồng/người/năm tăng 5 triệu đồng so với năm 2008. Các chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp được thực hiện hiệu quả; cơ cấu giống cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng hiện đại, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bình quân đạt 12,78 tiêu chí/xã, đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống vật chất tinh thần của nông dân ở nông thôn được nâng cao…
Tại Hội nghị, các đại biểu các địa phương đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện nghị quyết về tam nông tại địa phương, cơ sở…Đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những kết quả, thành tích đạt được trong 10 thực hiện Nghị quyết. Đồng thời chỉ rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện như: việc phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thiếu ổn định, không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng… Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương làm tốt những nhiệm vụ sau: đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn; xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế.../.