Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới với 7 huyện và 1 thành phố (có 4 huyện biên giới), 106 xã, phường, thị trấn (trong đó có 58 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới); dân số trên 47 vạn người, gồm 20 dân tộc sinh sống, dân tộc thiểu số trên 84%. Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 534 tổ chức cơ sở đảng (186 đảng bộ cơ sở, 348 chi bộ cơ sở), 3 đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng ủy cơ sở; 1.916 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận; tổng số 30.174 đảng viên (trong đó đảng viên dự bị là 1.286, đảng viên nữ là 10.238, đảng viên người dân tộc thiểu số là 16.073).
Việc xây dựng kế hoạch cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng hằng đầu của mỗi cấp ủy cơ sở. Với đặc thù cấp ủy cơ sở là cầu nối với người dân, là nơi nghị quyết của Đảng được cụ thể hóa đi vào thực tiễn, nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời cũng là nơi kiểm nghiệm và góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của đội ngũ đảng viên và quần chúng nhân dân.
Những năm qua, cấp ủy cơ sở trên địa bàn tỉnh đã làm tốt việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của đảng các cấp vào cuộc sống làm cho chủ trương, nghị quyết của Đảng phát huy hiệu quả; kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc được cải thiện; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Nhiều cấp ủy cơ sở có những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch của cấp mình triển khai, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng cấp trên phù hợp với đặc điểm tình hình, nguồn lực, trình độ dân trí… qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề ra.
Bên cạnh những kết quả cơ bản, so với yêu cầu việc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng tại cấp ủy cơ sở trong toàn Đảng bộ vẫn còn đặt ra những vấn đề tác động đến chất lượng triển khai thực hiện.
- Thứ nhất, kế hoạch thực hiện nghị quyết Trung ương của cấp ủy chưa phản ánh đúng nội dung, yêu cầu triển khai thực hiện nghị quyết ở địa phương, đơn vị. Chưa xác định rõ những nhiệm vụ liên quan, phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị mình mà dập khuôn theo nghị quyết, kế hoạch của cấp trên, dẫn đến có nhiều nội dung không liên quan đến địa phương trong kế hoạch được cụ thể hóa, không có tính khả thi khi triển khai trong thực tế.
- Hai là, chưa phát huy hết trí tuệ tập thể cấp ủy trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ cấp trên. Tại một số đơn vị vẫn còn tồn tại tình trạng việc xây dựng kế hoạch của cấp ủy được giao cho đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy hoặc đồng chí văn phòng đảng ủy sau đó thường trực đảng ủy ký, ban hành mà không đưa ra tập thể cấp ủy xin ý kiến, bàn bạc, thảo luận dân chủ. Do đó kế hoạch của đảng ủy vừa không phát huy hết trí tuệ tập thể vào đóng góp, xây dựng vừa vi phạm quy chế làm việc của đảng ủy.
- Ba là, kết cấu kế hoạch đa số giống kế hoạch, chương trình hành động của cấp trên do sao chép máy móc. Kế hoạch, chương trình hành động của cấp trên có bao nhiêu mục thì kế hoạch của cấp ủy cũng có bấy nhiêu mục, mặc dù có những mục không thuộc thẩm quyền hoặc không thể thực hiện ở địa phương, cơ sở nhưng vẫn được thể hiện trong kế hoạch. Tình trạng cấp dưới sao chép, mô phỏng chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy cấp trên, sao chép của địa phương khác vẫn tồn tại ở một số đơn vị.
- Bốn là, do nhận thức của cấp ủy về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của kế hoạch cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng còn hạn chế nên việc xây dựng kế hoạch chưa chặt chẽ, mặt khác có tình trạng nhận thức “làm cho có”, “làm cho đủ” để đảm bảo cho công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên nên chưa chú trọng đúng mực việc bố trí nguồn lực, phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện. Nên trong phần tổ chức thực hiện của đa số các chương trình, kế hoạch thường thể hiện chung chung, phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết chưa rõ ràng, cụ thể.
- Năm là, xây dựng kế hoạch nhưng thường không tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đồng thời rất ít khi kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho sát với diễn biến tình hình. Thực tế cho thấy, khâu tổ chức thực hiện kế hoạch của cấp mình tại cơ sở còn bộc lộ nhiều hạn chế, có đơn vị xây dựng và ban hành kế hoạch chủ yếu để báo cáo cấp trên, phục vụ đoàn kiểm tra của cấp trên mà chưa chú trọng tổ chức thực hiện, thậm chí có trường hợp xây dựng, ban hành xong chỉ để cất vào hồ sơ lưu trữ. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, ít được đề cập, đánh giá.
Do vậy, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng không mang tính khả thi, mà chỉ mang tính hình thức…
Từ thực tiễn triển khai và những vấn đề đặt ra như trên đã làm cho việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng chưa phát huy tối đa hiệu quả, khó đi vào đời sống. Để giải quyết vấn đề đó, cấp ủy cơ sở cần đổi mới cách xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện một cách khoa học, đồng bộ để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; thực sự là hạt nhân thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp đề ra./.
(Còn nữa)