Chủ trương, nghị quyết của Đảng có thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả ở mức độ nào - phụ thuộc cơ bản vào việc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa là lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện của cấp ủy cơ sở. Với ý nghĩa quan trọng đó, cấp ủy cơ sở phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng kế hoạch của cấp mình sao cho phù hợp với nguồn lực của địa phương, đơn vị; khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho phát triển theo mục tiêu của nghị quyết cấp trên. Để góp phần xây dựng kế hoạch của cấp ủy cơ sở một cách đúng quy trình, sát với thực tiễn của địa phương, đơn vị cần chú trọng một số vấn đề sau đây:
Một là: Phát huy vai trò tập thể cấp ủy trong xây dựng kế hoạch cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng. Xây dựng kế hoạch cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của đảng là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, do đó cần phát huy trí tuệ tập thể trong việc xây dựng, hoạch định kế hoạch. Để kế hoạch mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện thì vai trò của tập thể cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy mang tính quyết định. Đảng ủy cần quán triệt và thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của đảng ủy. Ban thường vụ đảng ủy có trách nhiệm chuẩn bị nội dung hội nghị đảng ủy; phân công đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy chỉ đạo văn phòng đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các bộ phận chuyên môn của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xây dựng dự thảo kế hoạch đúng quy trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Sau khi xây dựng dự thảo kế hoạch, cần tổ chức lấy ý kiến tập thể đảng ủy tham gia đóng góp ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các thành viên, tập thể cấp ủy bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ, khoa học để đi đến thống nhất, hoàn thiện kế hoạch.
Hai là: Nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả của đội ngũ công chức chuyên môn cấp xã. Công chức cấp xã là lực lượng trực tiếp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã trong các lĩnh vực chuyên môn. Đây là lực lượng trực tiếp tiếp xúc, gắn bó với người dân tại địa bàn, theo dõi nắm bắt tình hình về nhiệm vụ chuyên môn phụ trách nên rất am hiểu những nội dung, lĩnh vực chuyên môn phụ trách. Từ vị trí, vai trò của đội ngũ công chức cấp xã, trong quá trình xây dựng kế hoạch của cấp ủy thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, theo từng kế hoạch cụ thể, người đứng đầu cấp ủy cần tranh thủ phát huy trí tuệ, sự am hiểu về lĩnh vực của từng bộ phận công chức xã để đóng góp ý kiến vào kế hoạch của Đảng ủy. Thực tiễn trên địa bàn Lai Châu cho thấy, các đơn vị cấp xã có đội ngũ công chức có trình độ về lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo theo quy định; có sự am hiểu pháp luật về ngành, lĩnh vực được phụ trách, có kỹ năng tin học thành tạo và nắm rõ tiềm năng, lợi thế, những vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực của mình phụ trách. Do đó, người đứng đầu cấp ủy cần phát huy đội ngũ công chức cấp xã trong xây dựng kế hoạch của cấp ủy.
Ba là: Linh hoạt, vận dụng phù hợp các nhóm chủ trương, nhóm nghị quyết có liên quan vào một kế hoạch thực hiện. Cấp ủy cơ sở căn cứ kế hoạch, đề án, nghị quyết, chương trình hành động của cấp trên (cấp huyện) yêu cầu cấp ủy cơ sở cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Theo cách làm thường lệ hiện nay, cứ văn bản nào của cấp trên thì sẽ có kế hoạch của cấp ủy cụ thể hóa thực hiện, điều này dẫn đến nhiều kế hoạch, có kế hoạch chồng chéo… Xây dựng kế hoạch của Đảng ủy thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng theo nhóm vấn đề để triển khai thực hiện sẽ giảm bớt thủ tục hành chính trong ban hành văn bản của cấp ủy. Kế hoạch thống nhất, dễ nhớ, dễ thực hiện và tránh chồng chéo, trùng lắp. Ví dụ: Kế hoạch của đảng ủy về phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, kế hoạch của đảng ủy về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, kế hoạch của đảng ủy về bảo đảm an ninh - quốc phòng; hoặc có thể xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ví dụ: Kế hoạch của đảng ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, kế hoạch của đảng ủy thực hiện các nghị quyết, kế luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII… Trên cơ sở kế hoạch tổng hợp, trong quá trình xây dựng, đảng ủy cần nghiên cứu, cụ thể hóa từng nghị quyết, kế hoạch của cấp trên đảm bảo đầy đủ nội dung, mang tính khả thi và sát với thực tiễn địa phương để dễ triển khai thực hiện.
Bốn là: Chú trọng tổ chức quán triệt kế hoạch của cấp ủy. Để kế hoạch của đảng ủy khi ban hành ra được triển khai hiệu quả vào thực tiễn của địa phương, khâu học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện có ý nghĩa quan trọng. Xuất phát từ hạn chế của một số cấp ủy cơ sở, khi ban hành nghị quyết chỉ nhằm báo cáo cấp trên, lưu hồ sơ phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên… Do vậy, khi kế hoạch của cấp ủy được ban hành, cần chú trọng công tác tuyên truyền, triển khai đến tập thể cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở, cán bộ công chức xã, đảng viên và Nhân dân. Thông qua quán triệt, tuyên truyền kế hoạch để mỗi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị cơ sở nắm được nhiệm vụ của mình được phân công trong kế hoạch của đảng ủy để tổ chức thực hiện hiệu quả. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền kế hoạch của đảng ủy cụ thể hóa triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai kế hoạch, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Năm là: Kịp thời bổ sung, điều chỉnh kế hoạch trong quá trình tổ chức thực hiện cho phù hợp với thực tiễn cơ sở. Kế hoạch của đảng ủy cụ thể hóa triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng thường xác định nhiệm vụ 5 năm, thậm chí 10 năm. Nhưng thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội của địa phương luôn biến đổi không ngừng yêu cầu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với từng lĩnh vực luôn chủ động, linh hoạt, kịp thời. Do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch, cấp ủy, các tổ chức, cá nhân trong phân công nhiệm vụ theo tổ chức thực hiện cần chủ động nắm bắt những vấn đề nảy sinh ở cơ sở ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra và từ đó tham mưu, đề xuất cấp ủy kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý. Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch của đảng ủy cơ sở có thể thực hiện theo giai đoạn từng năm (đối với những vấn đề cấp thiết như dịch bệnh, thiên tai…) hoặc có thể điều chỉnh, bổ sung theo giai đoạn sơ kết 3 năm, sơ kết 5 năm. Đối với những điều chỉnh đó, đảng ủy ban hành kế hoạch bổ sung, kết luận, thông báo… cho phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai thực hiện.
Chương trình, kế hoạch của cấp ủy thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng là kết tinh trí tuệ của tập thể cấp ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Phát huy tinh thần dân chủ, đổi mới sáng tạo, đoàn kết thống nhất để xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị góp phần quan trọng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp đề ra./.
(Hết)