Một số điểm mới nổi bật trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV
Thứ hai - 07/12/2020 03:3720.6350
Thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (diễn ra từ 21-23/10/2020) “là động lực quan trọng để tỉnh Lai Châu vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo với niềm tin và khí thế mới”, là nội dung được khẳng định trong bài phát biểu bế mạc Đại hội của đồng chí Giàng Páo Mỷ - UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng với một số điểm mới về quy trình chuẩn bị nhân sự Đại hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng có nhiều điểm mới.
Những điểm mới của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này tập trung vào một số vấn đề cơ bản đó là: Về kết cấu trên cơ sở kế thừa Nghị quyết Đại hội của nhiệm kỳ trước, gồm 6 phần: (1) Tán thành nội dung Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội; (2) Thông qua Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII; (3) Thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức đảng các cấp và Nhân dân đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; (4) Cho ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; (5) Thông qua kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (6) Giao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để đưa NQ Đại hội vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, so với NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII thì NQ lần này có thêm phần (4) Cho ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Qua 4 kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh (từ khi chia tách thành lập tỉnh Lai Châu mới), đây là lần đầu tiên Đại hội đưa vào NQ nội dung này, qua đó thấy được Đại hội đã đề cao vai trò của Chương trình hành động, đồng thời tranh thủ được kinh nghiệm và trí tuệ của đại biểu dự Đại hội, để nhanh chóng đưa NQ vào thực tiễn cuộc sống.
Về nội dung, nhìn tổng quát thì NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV kế thừa và phát huy những giá trị của NQ Đại hội của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và các quyết sách của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong điều kiện mới và có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã trải qua chặng đường 35 năm đổi mới, xây dựng đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tỉnh Lai Châu sau hơn 16 năm chia tách, thành lập đã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, kém phát triển và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; song Lai Châu còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Chính vì vậy, Đại hội đã xác định phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”. So với phương châm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới), thì phương châm Đại hội lần này có thêm thành tố “phát triển” để khẳng định quyết tâm, mục tiêu của cả Đảng bộ là tiếp tục đưa Lai Châu phát triển bền vững.
So với chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía bắc) chủ đề Đại hội lần này ngắn gọn hơn, chỉ 52 chữ với 5 thành tố, ít hơn chủ đề Đại hội trước 14 chữ và 1 thành tố (Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; huy động các nguồn lực xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững); các thành tố có tính bao quát cao, không đi vào những vấn đề cụ thể nhưng vừa bám sát chủ đề trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa sát với điều kiện thực tiễn phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Đặc biệt, có những thành tố mới, nhấn mạnh sự đột phá về phương thức, cách làm để phát huy tối đa nội lực và tận dụng, phát huy hiệu quả những nguồn lực hỗ trợ, tác động từ bên ngoài, như thành tố “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo”, “huy động các nguồn lực”.
Thành tố “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo” được Đại hội xác định nó vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp mới, trọng tâm trong giai đoạn tới để tạo ra động lực chính cho tăng trưởng, phát triển kinh tế. Ở đây, “đổi mới sáng tạo” phải được hiểu theo định nghĩa trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013: “Đổi mới sáng tạo” là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Để làm được được này, trong điều kiện của Lai Châu chắc hẳn, cần phải đổi mới về tư duy trong tầm nhìn và hoạch định chiến lược phát triển và bắt đầu từ con người; đổi mới về cách tiếp cận, đưa các thành tựu khoa học và công nghệ vào phục vụ quá trình phát triển, tập trung nghiên cứu, thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn vướng mắc đang đặt ra để tìm hướng đi phù hợp; đổi mới mạnh mẽ hoạt động quản lý, điều hành theo hướng nhanh chóng dỡ bỏ các rào cản để giải phóng tối đa sức sáng tạo của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương... Có làm được những điều đó mới huy động và khơi dậy nguồn lực trí tuệ, tạo ra những hướng tiếp cận mới, khác biệt cho việc hoạch định được các chủ trương, chính sách đủ mạnh, khả thi trong điều kiện thực tiễn của tỉnh; thổi bùng khát vọng, niềm tin và hành động xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, không cam chịu khó khăn và lạc hậu.
Điểm rất mới của văn kiện nhiệm kỳ này là xác định 3 quan điểm chỉ đạo có giá trị bao trùm, vừa phản ánh trình độ lý luận thực tiễn, vừa thể hiện rõ hơn chủ đề Đại hội, đồng thời là căn cứ xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Quan điểm 1 nêu tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân các dân tộc Lai Châu trong giai đoạn mới: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng, kịp thời cụ thể hóa, tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh... Quan điểm 2 nêu định hướng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên: xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó mật thiết với Nhân dân, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, gương mẫu, có uy tín cao với Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Quan điểm 3 nêu định hướng tạo động lực phát triển: Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lấy phát triển kinh tế nông nghiệp là trung, phát triển hài hòa giữa các lĩnh vực, đảm bảo quốc phòng, an ninh vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Trên cơ sở chủ đề, quan điểm chỉ đạo và căn cứ vào tình hình thực tiễn, điều kiện của tỉnh, Đại hội đã thống nhất xác định mục tiêu “xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững”. So với chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, mục tiêu này, đã lược bỏ từ “toàn diện” và cụm từ “đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”. Tuy trong chủ đề không định vị về vị trí phát triển về kinh tế, xã hội của Lai Châu so với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước nhưng trong Nghị quyết Đại hội đã xác định rất rõ “xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”. Trong điều kiện, bối cảnh hiện nay, để Lai Châu phát triển toàn diện là rất khó, nhưng để thực hiện được mục tiêu tổng quát đến năm 2030, 2045 như đã xác định thì “phát triển nhanh và bền vững” vừa là mục tiêu, vừa là quan điểm mang tính động lực. Phát triển bền vững là phát triển bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững với phát triển xã hội bền vững và bảo vệ môi trường bền vững.
Về chỉ tiêu chủ yếu được Đại hội đề ra cũng có những điểm mới. Nếu như Đại hội XIII đề ra 10 chỉ tiêu chủ yếu nhưng không nhóm vào các lĩnh vực; còn Đại hội XIV đề ra 11 chỉ tiêu và nhóm thành 4 nhóm cơ bản về kinh tế (5 chỉ tiêu), về văn hóa, xã hội (4 chỉ tiêu), về môi trường (1 chỉ tiêu), về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (1 chỉ tiêu). Trong đó, chỉ tiều về môi trường là hoàn toàn mới. Xác định thêm chỉ tiêu này để đảm bảo tỉnh Lai Châu phát tiển bền vững như mục tiêu tổng quát mà Đại hội đã xác định.
Để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Đại hội đã xác định 4 chương trình trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển rừng bền vững; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã. So với Đại hội XIII xác định 3 chương trình trọng điểm: phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, ngoài 2 chương trình mới phát triển rừng bền vững và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thì Đại hội XIV đã xác định vấn đề cốt lõi, trọng tâm nhất, có vai trò trung tâm nhất của vấn đề nông nghiệp là nông nghiệp hàng hóa tập trung, hay vấn đề nguồn nhân lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở là cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý để tập trung thực hiện để tạo bước chuyển đột phá cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ đột phá cũng là một trong những mục mới trong NQ Đại hội lần này, nhưng nội dung này không hoàn toàn mới. Ở các kỳ đại hội trước, từ “đột phá”, cụm từ “nhiệm vụ đột phá”, “đột phá chiến lược” đã được nhắc đến nhiều lần. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã chỉ rõ một trong nguyên nhân kết quả là “Xác định đúng lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những khâu đột phá để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh”. Hay Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII rút ra kinh nghiệm “Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực phải biết chọn lĩnh vực, khâu đột phá để tập trung chỉ đạo và đầu tư”. Kế thừa, phát huy những kinh nghiệm đó, Đại hội lần này đã thống nhất cao với 4 nhiệm vụ đột phá nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế đã được chỉ ra và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển. Trên thực tế, các nội dung nằm trong bốn nhiệm vụ đột phá này đã và đang được cụ thể hóa, triển khai thực hiện với những cấp độ khác nhau và đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng quá trình thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đạt mục tiêu đề ra. Xác định nhiệm vụ đột phá chủ yếu hướng vào khắc phục, giải quyết những vấn đề là nguyên nhân bản chất, cốt lõi của những bất cập, yếu kém, là “rào cản”, “điểm nghẽn” đang làm chậm sự phát triển của tỉnh, đồng thời đón bắt thời cơ, hóa giải thách thức trong quá trình phát triển để tạo ra xung lực mới, có sức lan tỏa mạnh, giải phóng tiềm năng, kích hoạt các động lực cho tăng trưởng trong phạm vi nguồn lực hữu hạn của tỉnh.
Cùng với đó, những nhiệm vụ, giải phải trọng tâm, Đại hội lần này cũng đã kế thừa, phát huy những kinh nghiệm của các kỳ đại hội trước phù hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương trong giai đoạn mới cũng như sự cụ thể hóa nó phù hợp với thực tiễn của tỉnh như hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy nguồn lực, tiềm năng, lợi thế; hiệu quả quy hoạch tổng thể và tầm nhìn đến 2050; trách nhiệm tập thể lãnh đạo, cá nhận phụ trách, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; vấn đề nông nghiệp hàng hóa; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; an sinh xã hội; khởi nghiệp sáng tạo; kinh tế biên mậu của khẩu...
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đại hội XIV rút ra 5 kinh nghiệm quý, nổi bật như giữ vững đoàn kết, thống nhất; kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng; chủ động nắm, dự báo đúng tình hình, xử lý những vấn đề nảy sinh, không để bị động, bất ngờ; coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, kế thừa những bài học kinh nghiệm; chú trọng đánh giá đúng nguồn lực, động lực phát triển và phát huy mạnh mẽ nguồn lực toàn xã hội; quan tâm phát triển hài hòa lợi ích của các tầng lớp trong xã hội, các dân tộc; quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây cũng là một trong những mục mới trong NQ Đại hội lần này. Những kinh nghiệm được rút ra sẽ tạo tiền đề, khí thế, động lực quan trọng để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV vững tin, đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Với sự thành công tốt đẹp, Đại hội đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, chương trình trọng điểm, những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm, giải phải trọng tâm... nhất là những điểm mới thể hiện trong NQ đã đặt ra cho Đảng bộ Lai Châu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 công việc hết sức nặng nề, quyết định đến sự phát triển của tỉnh trong hiện tại và tương lai. Toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế