Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe các báo cáo: công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; công tác năm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác của Tòa án nhân dân tối cao năm 2023; công tác thi hành án năm 203; thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân toocis cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023; báo cáo thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh cơ bản nhất trí với các báo cáo đã trình bày, đồng thời tham gia ý kiến tập trung vào một số nội dung:
Về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, bức tranh chung tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2023 còn tăng cả số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do phạm tội gây ra; một số loại tội phạm tăng mạnh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng,… Nguyên nhân chủ yếu là do sau dịch Covid-19 với những khó khăn về kinh tế xã hội tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận Nhân dân; công tác đánh giá, dự báo tình hình còn hạn chế và công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị thời gian tới cần thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân biết, trong đó, trách nhiệm của Bộ Công an và Công an các địa phương là rất lớn trong công tác nắm tình hình và cập nhật, theo dõi thông tin. Bên cạnh đó, các đài phát thanh, truyền hình Quốc gia cần dành một thời lượng phù hợp vào các “khung giờ vàng” để cập nhật các thông tin cảnh báo như một số nước phát triển đang thực hiện để người dân nhận biết, phòng tránh.
Về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu tham gia 2 nội dung: (1) Việc tổ chức các phiên Tòa xét xử lưu động đối với các vụ án hình sự, hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc xét xử lưu động hay việc tổ chức các phiên tòa lưu động. Thực tế, một số địa phương vẫn đang thực hiện, nhưng báo cáo công tác của ngành Tòa án không đề cập đến nội dung này, để đảm bảo áp dụng thống nhất, chặt chẽ, phát huy những ưu điểm, giảm thiểu những hạn chế bất cập khi đưa vụ án ra xét xử lưu động, hệ thống tòa án các cấp cần có hướng dẫn thống nhất về căn cứ, tiêu chí để lựa chọn, xác định các vụ án có thể đưa ra xét xử lưu động hoặc nếu có bất cập thì thống nhất trong toàn ngành không tổ chức xét xử lưu động. (2) Qua tiếp xúc cử tri tại cơ sở, cử tri kiến nghị, Tòa án nhân dân tối cao sớm bố trí kinh phí triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin theo chức năng nhiệm vụ của Tòa nhất là trong điều kiện hiện nay đang thực hiện xét xử phiên tòa trực tuyến; đầu tư kinh phí nâng cấp sửa chữa trụ sở làm việc của Tòa án cấp huyện, nhất là các địa phương khó khăn, miền núi.
Về báo công tác thi hành án hình sự, khó khăn lớn nhất hiện nay là số người bị kết án tử hình đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành còn cao, nhiều đối tượng kết án hơn 10 năm chưa thi hành, gây áp lực cho công tác quản lý, giam giữ. Đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền sớm xem xét giải quyết, nếu chưa tổ chức thi hành án ngay thì cần bố trí kinh phí đầu tư đảm bảo điều kiện giam giữ riêng./.