Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; dân số trên 47 vạn người, có 20 dân tộc cùng sinh sống (trong đó có 4 dân tộc có số dân dưới 10.000 người là Cống, Mảng, Si La và Lự), đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84%. Những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, sự tin tưởng, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển: 58,4% trường học được đạt chuẩn quốc gia; 84,1% thôn, bản, khu dân cư có nhà văn hoá. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi, học sinh khá, giỏi ở các cấp học, hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng tăng dần qua từng năm. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng cơ bản; chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên, đáp ứng yêu cầu dạy và học; công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và đời sống của người dân được cải thiện; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động được quan tâm triển khai thực hiện. Giá trị văn hóa các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa.
Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Lai Châu; trong đó xác định việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, khu phố, cộng đồng dân cư trong toàn tỉnh; đồng thời, tạo thành phong trào toàn xã hội tích cực tham gia học tập và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân thực hiện trách nhiệm, quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời. Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập suốt đời, công tác khuyến họ, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp được củng cố, kiện toàn theo hướng thiết thực, hiệu quả; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp đã tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; chủ động tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa giáo dục;...
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, đã có 7/11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó: 3/4 chỉ tiêu về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục đạt chỉ tiêu kế hoạch (100% huyện, thành phố giữ vững và nâng cao chất lượng xóa mù chữ mức độ 1 (đạt chỉ tiêu); 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (đạt chỉ tiêu); 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (đạt chỉ tiêu); 3/3 chỉ tiêu về năng lực cơ bản và trình độ của người dân đạt và vượt kế hoạch (số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin (đạt 51,6 %, vượt 1,6% kế hoạch); số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống (đạt 53,5%, vượt 3,5% kế hoạch); dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn (đạt 20,7%, vượt 0,7% kế hoạch). Hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 1/2 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số (đạt 51%, vượt kế hoạch 1,0%). Bên cạnh những chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, việc triển khai thực hiện Đề án theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn còn 4/11 chỉ tiêu chưa đạt (mục tiêu các huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 (đạt 75% kế hoạch); các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục (đạt 49,1%, kế hoạch 50%); công dân đạt danh hiệu công dân học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành (đạt 37,4%, kế hoạch 40%); huyện, thành phố được công nhận danh hiệu học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành (đạt 20%, kế hoạch 25%).
Bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Đề án, như: Địa hình hiểm trở, giao thông đi lại bị chia cắt ở các xã biên giới vào mùa mưa; hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc nhận thức về vai trò, ý nghĩa học tập suốt đời của một bộ phận người dân chưa cao; chưa tích cực tham gia vào các hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch đề án của các cấp. Việc đăng ký mô hình “công dân học tập” thực hiện trên phần mềm nên khó khăn trong việc đăng ký đối với nhiều người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Cán bộ Trung tâm học tập cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, không có phụ cấp trách nhiệm và một số cán bộ năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế nên việc thực hiện công tác xóa mù chữ ở một số địa phương tiến triển chậm. Nạn tảo hôn, các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi… của đồng bào các dân tộc còn tồn tại, ảnh hưởng nhiều đến việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là việc tổ chức “Tuần lễ học tập suốt đời hàng năm”, “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam”. Chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng dòng họ học tập tiêu biểu. Mỗi dòng họ nên coi trọng việc tuyên dương, khen thưởng học sinh có thành tích cao trong học tập và học sinh nghèo vượt khó, từ đó tạo động lực cho các gia đình tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; thực hiện các tiêu chí về “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, tạo sự gắn kết sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Lai Châu với cả nước./.