Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;…
Hội nghị Trung ương 6, khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác PCTN trên phạm vi toàn quốc. Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác PCTNTC được lãnh, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu. Có bước đột phá và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Theo đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý; hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản pháp luật có sơ hở, bất cập.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, thảo luận làm rõ những kết quả triển khai thực hiện công tác PCTNTC tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng liêm chính, thực hiện vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC nhấn mạnh: Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên công tác PCTNTC vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa liêm chính, không tham những, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Công tác giám định, định giá tài sản còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp.
Vì vậy, Hội nghị không chỉ tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà còn là dịp để Ban Chỉ đạo Trung ương rút ra bài học, phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh làm theo. Từ đó, đề ra yêu cầu cao hơn để chống tiêu cực, chống suy thoái; chặn đứng những việc làm vi phạm phẩm chất đạo đức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Đấu tranh PCTNTC là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp và lâu dài. Do đó, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tập trung, thống nhất của Đảng cũng như quyết tâm chính trị rất cao, hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Có những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong PCTNTC… Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự liêm chính, bản lĩnh, có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.