Khi mới chia tách (2004) Lai Châu có khoảng 400 cán bộ có trình độ đại học, trong đó có 1 tiến sĩ. Để tăng cường đội ngũ cán bộ, trí thức có trình độ, tỉnh đã ban hành triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ và trí thức trẻ trong cả nước đến làm việc tại Lai Châu như: Được tạo điều kiện ở nhà công vụ, sau 5 năm công tác sẽ được cấp đất; đối với bác sĩ sẽ được chi trả khoản tiền thu hút ban đầu là 8 triệu đồng, các ngành nghề khác nếu tốt nghiệp đại học loại khá trở lên sẽ được 5 triệu đồng… Nhờ vậy, sau 2 năm với sự quyết tâm của cả Đảng bộ, Lai Châu đã thu hút được hơn 2.200 cán bộ có trình độ đại học, đưa con số cán bộ có trình độ đại học lên 2.600 người vào cuối năm 2005. Đây là kết quả bước đầu đáng ghi nhận trong việc thu hút trí thức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách thu hút, xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền đã có nhiều phương thức quản lý, sử dụng trí thức phù hợp, coi trọng vị trí, vai trò của trí thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo môi trường thuận lợi để trí thức phát huy năng lực, tham gia ý kiến đối với các vấn đề quan trọng, nhất là trong tham mưu, hoạch định chiến lược phát triển, văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của Trung ương và một số chính sách của tỉnh về trọng dụng, đãi ngộ trí thức thông qua thu hút cán bộ, sinh viên có trình độ chuyên môn cao về công tác tại địa phương, nhất là trong các ngành, lĩnh vực đặc thù. Ưu tiên sử dụng bố trí, phân công công việc phù hợp, bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp.
Đội ngũ trí thức trong toàn tỉnh tiếp tục tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đảm bảo cơ cấu hợp lý, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh. Tính đến 2022, toàn tỉnh có khoảng 16.312 trí thức, trong đó có 14 tiến sĩ, 725 thạc sĩ, 11.784 đại học, 2.789 cao đẳng; 63 nhà giáo ưu tú, 13 nghệ nhân ưu tú, 4 thầy thuốc nhân dân, 13 thầy thuốc ưu tú. Nhiều trí thức đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp. Những đóng góp của đội ngũ trí thức Lai Châu được đánh giá bằng con số cụ thể chứng minh sự phát triển của tỉnh qua 20 năm chia tách, thành lập. Từ một tỉnh vùng cao biên giới kinh tế - xã hội trong tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến nay kinh tế - xã hội của tỉnh đã từng bước chuyển mình; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đến nay kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 20 năm ước đạt 9,69%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần (từ 2,2 triệu đồng lên trên 47 triệu đồng); thu ngân sách trên địa bàn đạt gấp trên 70 lần (từ 31 tỷ đồng lên trên 2.200 tỷ đồng). Văn hóa - xã hội được triển khai hiệu quả, giáo dục và đào tạo được tăng cường, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 61,9%. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, tỷ lệ bác sỹ toàn tỉnh đạt 13 bác sĩ/vạn dân; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được triển khai sau rộng.
Sau 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (mới), đội ngũ trí thức Lai Châu đã được quan tâm xây dựng, phát triển góp phần quan trọng trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, đội ngũ trí thức của Lai Châu còn khiêm tốn hơn so với các địa phương khác (số lượng thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương) và ổn định, bền vững chưa thực sự đảm bảo. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy công tác xây dựng đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển của tỉnh còn nhiều khó khăn, có thể kể đến một số nguyên nhân sau đây: (1) Là tỉnh biên giới xa và có đường giao thông khó khăn nhất miền Bắc (tính từ Thủ đô Hà Nội), xa các trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, xa các cơ sở giáo dục, đào tạo lớn do vậy việc thu hút đội ngũ trí thức đến công tác tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn; khó khăn cho con em đồng bào các dân tộc theo học tại các trường đại học xa; khó khăn cho việc đội ngũ trí thức của Lai Châu tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. (2) Tỉnh chưa có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đội ngũ trí thức để đảm bảo đời sống và yên tâm công tác; đời sống của đội ngũ trí thức trên địa bàn về cơ bản chỉ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo quy định. Nhiều trường hợp ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. (3) Những năm gần đây, điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước phát triển, nhiều ngành nghề, lĩnh vực ngoài Nhà nước đang có sự phát triển mạnh mở ra cơ hội việc làm rộng lớn; đội ngũ trí thức là cán bộ công chức, viên chức có xu hướng nghỉ việc, chuyển về các tỉnh miền xuôi làm ngoài có thu nhập cao hơn làm việc tại cơ quan Nhà nước ở Lai Châu dẫn đến tình trạng nghỉ việc Nhà nước chuyển sang làm ngoài xảy ra. (4) Đa phần đội ngũ trí thức của Lai Châu là người ở các tỉnh miền xuôi lên công tác; nhiều trường hợp vẫn còn tư tưởng xin chuyển vùng, chuyển về quê. Thực tế này đang diễn ra phổ biến, nhất là những năm gần đây khi các tỉnh miền xuôi đang có tình trạng thiếu cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và trong các đơn vị sự nghiệp (nhất là giáo viên, y bác sĩ) dẫn đến một nghịch lý là “Lai Châu trở thành đơn vị đào tạo, rèn luyện cán bộ, công chức cho miền xuôi”.
Những năm qua, Lai Châu luôn chú trọng thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ như: Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND, ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh về “ban hành quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và hỗ trợ luân chuyển cán bộ, công chức trên địa bàn”. Nghị quyết 23/2023/NQ-HĐND, ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh về “ban hành quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND, ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh về “ban hành quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đãi ngộ với bác sĩ đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh”… Những chính sách trên đã và đang phát huy hiệu quả trong việc xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng nhân tài đối với Lai Châu.
Để tiếp tục vận dụng hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh phù hợp với thực tiễn, tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, cần triển khai thực hiện một số giải pháp xuất phát từ thực tiễn của Lai Châu sau đây:
Thứ nhất: Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt, học tập sâu sắc và nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc xây dựng, đãi ngộ đội ngũ trí thức và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.
Thứ hai: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ đội ngũ trí thức của tỉnh. Quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức trẻ có trình độ, năng lực và nhiệt huyết công tác, tâm huyết gắn bó với Lai Châu để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách thu hút, đãi ngộ (theo Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND, ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh); nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng các ngành, lĩnh vực tỉnh còn thiếu và bổ sung thêm các chính sách về cấp đất, hỗ trợ nhà ở cho đội ngũ trí thức trẻ.
Thứ ba: Thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để đào tạo và phát triển, nâng cao trình độ đội ngũ trí thức của tỉnh. Các ngành, lĩnh vực của Lai Châu triển khai hiệu quả các mô hình liên kết, hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cán bộ với các ngành Trung ương và địa phương khác trong cả nước để tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ, đào tạo cán bộ có chuyên môn sâu cho tỉnh.
Thứ tư: Tạo cơ chế để đội ngũ trí thức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trong công việc. Thực hiện tốt Kết luận 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” để phát huy tính sáng tạo, đột phá của đội ngũ trí thức trong thực hiện nhiệm vụ vì sự nghiệp chung của tỉnh; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Thứ năm: Chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức người địa phương. Quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số, đây là con em đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương nên sẽ đảm bảo tính ổn định, gắn bó với quê hương Lai Châu. Thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; thực hiện tốt các chính sách về cử tuyển đại học và sử dụng các đối tượng diện cử tuyển sau khi tốt nghiệp đại học về công tác, cống hiến tại địa phương./.