Người nông dân điển hình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Chủ nhật - 01/09/2013 05:126660
Với mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng và kinh doanh, anh trở thành tấm gương điển hình làm giàu chính đáng trên vùng đất khó, là nơi “cung cấp” khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt cho đồng bào các dân tộc địa phương. Anh là Trịnh Minh Huệ ở bản Phan Lìn, xã San Thàng (thị xã Lai Châu).
Sinh năm 1975 trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, nhận thấy cuộc sống ở quê còn quá nhiều khó khăn, trăn trở nhiều đêm, anh Huệ quyết định tìm hướng đi mới để thoát nghèo. Năm 2007, gia đình anh lên Lai Châu lập nghiệp tại tổ 5, phường Tân Phong. Xác định lấy chăn nuôi vịt thương phẩm chính, song khi bắt tay vào làm gia đình anh gặp vô vàn khó khăn, từ thiếu đất sản xuất, vốn, kinh nghiệm sản xuất đến đầu ra cho sản phẩm… nên nhiều lần gặp thất bại. Không nản lòng, mỗi lần thất bại là một lần đúc kết những bài học kinh nghiệm, anh tiếp tục “đứng dậy” để làm lại. Năm 2008, khi vừa ổn định cơ sở kinh tế thì tỉnh có chủ trương thu hồi đất ở khu vực gia đình anh đang thuê để xây dựng đô thị. Bao công sức bỏ ra để gây dựng cơ sở chăn nuôi nay không còn. Chán nản, anh định đưa gia đình trở về quê sinh sống thì được bạn bè, người thân động viên, giúp đỡ nên quyết tâm đi tìm khu đất mới để làm lại từ đầu.
Vùng đất khó Phan Lìn, xã San Thàng là nơi anh lựa chọn để thử thách bản thân tuy là vùng ngoại ô nhưng lại là địa bàn còn nhiều khó khăn. Bà con nông dân trong bản cần cù chịu khó lao động, sản xuất, song tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao. Từ khi xuống thuê địa điểm mới, anh nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế bằng cách tại điều kiện cho vay vốn ưu đãi để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Tận dụng nguồn nước suối chảy ra, anh đầu tư đào ao nuôi cá, chăn nuôi vịt đàn. Đặc biệt, từ khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, hệ thống điện, trường học được xây dựng và nâng cấp khang trang, địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn và khoa học, kỹ thuật nên gia đình anh cũng như nhiều gia đình trong xã có thêm cơ hội để đầu tư phát triển từ sản xuất. Từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ ban đầu, gia đình anh chuyển dần sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hình thức kinh tế trang trại.
Qua nhiều năm kiên trì học hỏi, cần cù lao động, phát triển kinh tế gia đình, tích cực học tập và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, quy mô sản xuất, chăn nuôi của gia đình anh dần lớn mạnh, vì thế lãi suất cũng không ngừng tăng cao. Năm 2012, gia đình anh được UBND thị xã Lai Châu cấp Giấy chứng nhận “Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp”. Thu nhập từ mô hình kinh tế trang trại đã giúp anh đã mua lại được khu đất đã thuê trước đây với diện tích trên 8.000m2. Ngoài việc đầu tư vào trồng chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm, bồ câu, nuôi cá, anh Huệ còn làm thêm dịch vụ ấp nở gia cầm, thủy cầm để cung cấp con giống phục vụ chăn nuôi cho bà con trên địa bàn thị xã và các vùng lân cận.
Anh Huệ cho biết: Thu nhập của gia đình những năm gần đây trừ hết chi phí năm sau thường cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009 là 100 triệu đồng; năm 2010 là 120 triệu đồng; năm 2011 là 150 triệu đồng. Riêng năm 2012 gia đình anh có tổng thu nhập 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi trên 200 triệu đồng khi cung cấp ra thị trường trên 3 tấn lợn thịt, 150 con lợn giống, nuôi 800 vịt đẻ cho 150.000 quả trứng, ấp nở con vịt giống, chăn nuôi thủy sản (4.000m2 ao nuôi cá), chim giống bồ câu và trồng cây chè… Hiện nay, gia đình anh Huệ đã thực sự ổn định về kinh tế, nhà cửa khang trang, sắm sửa được nhiều tiện nghi, nuôi 3 con ăn học đầy đủ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động, 3 - 5 lao động thời vụ của địa phương, với mức lương và thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng.
Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, anh Huệ còn là một người nhiệt tình, năng nổ, tích cực hưởng ứng các hoạt động, phong trào do các đoàn thể phát động. Thường xuyên trao đổi, học hỏi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong bản, trong xã khi có nhu cầu, giúp bà con phát triển kinh tế, để xóa đói, giảm nghèo. Bản thân anh và gia đình luôn được bà con trong bản quý mến, là tấm gương sáng cho đồng bào các dân tộc ở địa phương học tập và noi theo. Với mô hình kinh tế của mình, gia đình anh Huệ đã nhận được nhiều Giấy khen của các tổ chức và các cấp chính quyền địa phương và là điển hình của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế