Để gỡ khó cho bài toán trên chiều 17/11, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức hội thảo khoa học, tiềm năng, thách thức và định hướng nuôi cá nước lạnh tại tỉnh ta. Đồng chí Lê Trọng Quảng, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh điều hành buổi hội thảo.
Theo đánh giá của các chuyên gia thuỷ sản, các đơn vị tham gia phát triển nghề cá nước lạnh tại một số tỉnh nhận định thì tỉnh ta là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển cá nước lạnh. Các vùng như tam đường dưới chân dãy Hoàng Liên Sơm, Sìn Hồ, khu vực bắc Dào San huyện Phong Thổ; vùng lòng hồ thuỷ điện Bản Chát và Lai Châu trong tương lai là những vùng có khả năng nuôi cá nước lạnh. Và trên thực tế hiện tỉnh ta cũng là một trong những tỉnh có nghề cá nước lạnh phát triển.
Đơn cử như Công ty Cổ phần thuỷ điện Chu Va (huyện Tam Đường), đây là một trong những đơn vị tham gia nuôi cá nước lạnh từ năm 2009. Công ty thực hiện cả khâu ương giống và nuôi cá thương phẩm. Theo Lãnh đạo công ty, tháng 10/2013 đơn vị đưa 18.000 con giống vào nuôi; đến tháng 10/2014, thu về 15.800 con; năng suất đạt trên 33 tấn. Đây là sản lượng khá bởi giống do đơn vị ương luôn đạt tỷ lệ sống từ 80% - 90%. Con số trên cho thấy rằng, cá nước lạnh đang phát triển cho kết quả rất tốt. Ngoài nuôi với diện tích lớn ở huyện Tam Đường, hiện công ty này còn thực hiện hạ thuỷ 57 lồng nuôi nhốt cá tầm với tổng thể tích trên 2.000m3 tại khu vực vùng lòng hồ thuỷ điện Bản Chát ở địa bàn huyện Than Uyên. Đây là một trong những đơn vị nuôi cá hồi cá tầm lớn nhất của tỉnh ta.
Đối với tỉnh ta, cá nước lạnh được nuôi thử nghiệm từ năm 2006, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 7 cơ sở nuôi cùng nhiều địa điểm khác chuẩn bị đầu tư. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2013, thể tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh đạt trên 26.600m3; sản lượng nuôi ước đạt gần 200 tấn, trong đó cá Hồi gần 100 tấn; cá Tầm khoảng 100 tấn... Những kết quả trên đã khẳng định điều kiện thời tiết, khí hậu và nguồn nước ở tỉnh ta rất phù hợp cho những loài cá nước lạnh.
Tỉnh ta có tiềm năng phát triển cá nươc lạnh rất lớn cần được khai thác
Tuy nhiên, cũng theo ý kiến của các đơn vị trực tiếp tham gia nuôi cá nước lạnh thì bên cạnh việc có được những tiềm năng, lợi thế này thì việc phát triển nuôi cá nước lạnh của tỉnh ta hiện cũng đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể, cá nước lạnh vẫn là đối tượng nuôi mới, vốn đầu tư cao và đòi hỏi phải có sự đầu tư lâu dài. Hơn nữa cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông tại những khu vực có khả năng phát triển nuôi cá còn rất nhiều khó khăn. Ông Vũ Văn Cảnh - Giám đốc công ty Cổ phần thuỷ điện Chu Va khi nói về những khó khăn của đơn vị đã cho biết: Giống và thức ăn đang chiếm khoảng 80% giá trị thành phẩm trong khi khó khăn lớn nhất đó là đơn vị chưa chủ động được con giống, mặc dù tỉnh đã nhân giống được nhưng chưa chủ động hoàn toàn. Hơn nữa là giống nuôi mới du nhập kinh nghiệm còn thiếu nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về dịch bệnh. Ngoài ra thức ăn toàn bộ của công ty đều nhập khẩu từ Pháp và các nước Châu Âu gây khó khăn cho đầu tư sản xuất. Trên thực tế thức ăn trong nước cũng có thể đảm bảo nguồn cung nhưng chất lượng thịt của cá thành phẩm bị giảm khi sử dụng thức ăn trong nước. Vì vậy vấn đề này đang là nỗi đau đầu đối với tất cả các cơ sở nuôi cá nước lạnh.
Ngoài ra các đại biểu cũng cho rằng, quy mô thể tích nuôi cá nước lạnh của các cơ sở trong tỉnh hiện nay vẫn là nhỏ lẻ, không tập trung dân đến việc các nhà đầu tư không mặn mà để cùng phát triển. Không những thế, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyển sâu về cá nước lạnh, có kinh nghiệm nuôi và chăm sóc còn thiếu và nhiều hạn chế…
Theo mục tiêu, đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu đạt 270.800m3 thể tích nuôi cá nước lạnh, với sản lượng khoảng trên 2.500 tấn; sản xuất được giống cá nước lạnh trước mắt đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Và để đạt được điều đó, không thể thiếu được những giải pháp trước mắt. Do đó nhiều đại biểu đề xuất: “Trong giai đoạn này, cần nhập giống cá tại các cơ sở có nguồn gốc xuất xứ và có uy tín. Sau đó đầu tư một vài cơ sở sản xuất giống phục vụ địa bàn. Đồng thời sử dụng đúng loại thức ăn và khuyến khích việc nghiên cứu thức ăn phục vụ cho phát triển nuôi cá. Ngoài ra, cần tập trung hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở nuôi cá nước lạnh… Có như vậy việc ương, nuôi cá nước lạnh thương phẩm cơ bản tương xứng với tiềm năng và khai thác được thế mạnh vốn có. Hơn nữa có làm chủ được các khâu như trên thì nghề nuôi cá nước lạnh của tỉnh mới mong phát triển mạnh và bền vững được./.