Là tỉnh miền núi với đường biên giới trên 265,095km, diện tích tự nhiên 906.878,7ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 55,93%, đất chưa sử dụng chiếm 40%. Mặc dù có diện tích tự nhiên khá lớn, đất nông nghiệp dồi dào song tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn chiếm 31,82% (năm 2013). Nguyên nhân chủ yếu vẫn là trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức bộ phận người dân chưa nâng cao trong việc áp dụng KHKT vào canh tác sản xuất. Trong khi đó nhiều gia đình còn trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước nên có hộ không muốn thoát nghèo. Đứng trước thực trạng này, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo đó, Ban chỉ đạo giảm nghèo từ huyện xuống cơ sở được thành lập đi vào hoạt động đã triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh. Các chương trình 135; chính sách định canh, định cư theo Quyết định 33; chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo theo Quyết định 102; đề án hỗ trợ phát triển kinnh tế-xã hội 3 dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ… đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí Tống Thanh Bình, TUV, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Để các chính sách dân tộc được thực thi, chúng tôi lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư tập trung vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền đến từng thôn, bản về ưu đãi từng chính sách trên quan điểm Nhà nước đầu tư, người dân cùng nỗ lực thực hiện. Các chính sách thực hiện theo một mục tiêu riêng, cơ chế vận hành tuy có khác nhau nhưng vẫn đảm bảo lợi ích, sự thụ hưởng của đồng bào. Điều đạt được là chính sách được triển khai đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự tham gia của người dân trong việc lựa chọn đối tượng, nội dung đầu tư, hỗ trợ, giám sát quá trình tổ chức thực hiện”.
Ở chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đồng bào được cấp phát bằng giống lúa, phân bón, tiền mặt đã thúc đẩy tinh thần nỗ lực phấn đấu trong việc thoát nghèo của hộ nghèo. Hay như chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định 1592/QĐ-TTg và Quyết định 755/QĐ-TTg của Chính phủ ở 2 năm (2011-2012) với kinh phí 40 tỷ đồng thực hiện đầu tư 87 dự án nước sinh hoạt tập trung. Đặc biệt ở Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” giai đoạn 2011-2020 có tổng kinh phú trên tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), hỗ trợ đời sống (nhà ở, chuồng trại), hỗ trợ sản xuất cho các hộ dân. Riêng chương trình 135 ở các giai đoạn, người nghèo được hỗ trợ về phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng. Từ nguồn vốn này đã giúp bà con có thêm điều kiện tập trung sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trồng lúa, ngô, đậu… tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT trong thâm canh, tăng vụ. Qua các chính sách thấy được đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh không ngừng được cải thiện, bà con biết vận dụng các chính sách để từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Mặc dù là huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn 22,08%, song Than Uyên vẫn là địa phương có bước phát triển kinh tế khá vững chắc của tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Dũng, TUV, Bí thư Huyện ủy Than Uyên: Có được kết quả này là thời gian qua, huyện luôn sát sao trong công tác lãnh chỉ đạo xóa đói giảm nghèo nhất là việc tận dụng các chính sách mà Đảng, Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho hộ nghèo. Cùng với đó, huyện luôn làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức người dân trong giảm nghèo. Đồng thời, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người uy tín vận động người nghèo phát huy hết khả năng bản thân, chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu (cán bộ Trạm Y tế xã Bum Tở, huyện Mường Tè khám bệnh cho bà con)
Còn tại huyện Nậm Nhùn, dù mới chia tách năm 2012, Đảng bộ, Chính quyền đã tổ chức họp bàn xây dựng kế hoạch, rà soát các vùng khó khăn đầu tư chính sách đảm bảo trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho vùng khó khăn, chú trọng khai hoang đất sản xuất, tích cực thâm canh tăng vụ trong nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2013, kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước là: 45 tỷ 507 triệu đồng. Trong đó: Chương trình 135: 2 tỷ 100 triệu đồng, Chương trình 30a: 33 tỷ 355 triệu đồng, Quyết định số 102: 1 tỷ 365 triệu đồng... Các chính sách luôn thực hiện đúng, kịp thời các đảm bảo người nghèo thụ hưởng đủ ưu đãi về giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Anh Đinh Văn Siêng, bản Pa Kéo, thị trấn Nậm Nhùn chia sẻ: “Những Chính sách mà người dân chúng tôi được thụ hưởng đã phần nào trợ giúp vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ nhận được ưu đãi về tiếp cận vốn vay, hỗ trợ giống, phân bón, bà con còn được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Từ đó tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng tích cực hơn nữa để làm kinh tế, từng bước thoát nghèo”.
Có thể nói, từ khi các chính sách được thực hiện diện mạo vùng nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh đã có bước khởi sắc. Kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp đã dần ổn định, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước nâng cao nhận thức trong cách nghĩ, cách làm đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Đổi thay rõ nhất là bản làng ngày càng trù phú với nhiều nhà kiên cố, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hình thành và ngày càng nhân rộng ra. Cũng từ những chính sách hỗ trợ đến trực tiếp hộ nghèo tạo động lực giúp họ tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, có việc làm ổn định. Qua đó góp phần làm cho cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương có bước chuyển dịch theo hướng tăng tích cực, ổn định, bền vững, nhất là người nghèo ở vùng khó khăn./.