Từ năm 2000 đến nay, cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở, ảnh hưởng tới các vùng dân cư; làm chết và mất tích 646 người, bị thương 351 người; hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi, hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng; hơn 75.000ha lúa và hoa màu bị ngập; hàng trăm ha đất canh tác vị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh kinh tế bị hư hỏng nặng... Tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng. Các tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất chủ yếu các tỉnh vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc. Nguyên nhân chính gây lũ quét, trượt lở đất là do mưa cường độ lớn ở những khu vực có độ dốc lớn, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn; sự chủ quan, bất cẩn, thiếu hiểu biết về thiên tai của con người; việc san lấp sông suối gây cản trở, ách tắc đường thoát lũ...
Hàng năm, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các công điện, chỉ thị, kết luận về công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn (TKCN); kịp thời hỗ trợ, khắc phục hậu quả đối với các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể để chủ động phòng tránh, khắc phục hậu quả. Các địa phương triển khai các chương trình, dự án bố trí dân cư các vùng thiên tai, di dân tái định cư, di dân ra biên giới, xây dựng nhà an toàn trong vũng bão, lũ; rà soát, đánh giá và xác định các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lạt sở đất; xây dựng phương án phòng tránh; xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc; cảnh báo người dân sơ tán đến nơi an toàn...
Qua đánh giá, công tác phòng tránh lũ quét, sạt lở đất vẫn còn tồn tại như: người chết do chủ quan, bất cẩn vẫn còn xảy ra; công tác di dời dân cư đến nơi an toàn chưa thực hiện được nhiều; kinh phí cho các di dân vùng thiên tai chưa đáp ứng được nhu cầu; việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch tổng thể về bố trí dân cư, sản xuất, điều chỉnh cơ cấu cây trồng ở khu vực lũ quét chưa đáp ứng đầy đủ; công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn...
Do ảnh hưởng của mưa lũ, tuyến tỉnh lộ từ Quốc lộ 32 vào xã Nậm Cần (Tân Uyên) bị sạt lở nghiêm trọng
Tại Lai Châu, đợt mưa lũ năm nay đã làm 13 người thiệt mạng, riêng đợt mưa lũ ngày 12/8 vừa qua, huyện Tam Đường đã có 6 người chết, 4 người bị thương; nhiều nhà ở và các công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng. Các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng giao thông các tuyến tỉnh lộ. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương nhấn mạnh 11 nội dung trọng tâm nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ gây ra.
Thảo luận tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ, sạt lở; những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp trong công tác phòng chống thiên tai.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Mưa lũ, sạt lở đất là đặc trưng của các tỉnh miền núi. Do vậy, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần phải làm tốt công tác dự báo để người dân chủ động phương án phòng chống. Đặc biệt, nhiệm vụ tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu. Trong bộ bản đồ dự báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cần bổ sung thêm bố trí dân cư để có thêm căn cứ trong công tác chỉ đạo phòng chống. Xây dựng hệ thống quan trắc theo dõi và cảnh báo ở những khu dân cư lớn; quan tâm quy hoạch dân cư và phát triển hạ tầng, tránh ảnh hưởng đến phân bố dòng chảy; ưu tiên trồng rừng ven biển và phòng hộ vùng núi; các lực lượng xung kích PCLB và TKCN cần tiếp tục duy trì phương châm "4 tại chỗ".../.