Thời gian qua, cùng với sự quan tâm của tỉnh thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật cho người nông dân, giúp nông dân thâm canh, tăng năng suất; các doanh nghiệp thường xuyên đổi mới công nghệ, dây chuyền chế biến, tìm kiếm thị trường tiềm năng, thực hiện nghiêm túc việc quản lý vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm đầu ra… Nhờ vậy cây chè đã không chỉ thực sự trở thành “bài thuốc” chữa bệnh đói nghèo, mà còn góp phần thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm và cách phát triển loại cây này.
Những năm trước đây, bà con nghèo không mấy mặn mà với cây chè, càng không quan tâm tới việc thâm canh để tăng năng suất, sản lượng, vì vậy mà đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, kinh tế hạn hẹp. Cách đây 4 năm, Đề án phát triển vùng chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2011 - 2015 được phê duyệt. Đề án này ra đời đã góp phần đưa giống chè chất lượng cao vào trồng, đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu chè tập trung gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm chè chất lượng tốt, giá trị sản phẩm tăng, giải quyết được việc làm và giảm nghèo bền vững cho người dân trồng chè trên địa bàn tỉnh.
Nhìn lại thị trường chè năm 2010, khi chè mi ni mọc lên, các nhà máy chè “tranh nhau mua, tranh nhau bán”, người dân thì đem liềm, đem dao đi cắt, không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng nhà máy vẫn phải mua vì không mua thì không có nguyên liệu để chế biến. Mặt khác, chất lượng chè không cao vì không có bên nào bỏ tiền ra đầu tư. Người dân thì nghèo, còn nhà máy cũng không dám đầu tư vì sau đầu tư mà người dân bán cho doanh nghiệp khác thì coi như thất bại.
Nhưng nay thì hoàn toàn khác, doanh nghiệp hợp đồng với bà con trong vùng nguyên liệu được phân công và đóng vai trò nòng cốt là nhà đầu tư, thu mua sản phẩm nên đã đầu tư phân bón cho bà con nông dân ngay từ khi bắt đầu trồng, nên một số diện tích trồng năm thứ 3 cho năng suất 2 - 2,5 tấn/ha, thu nhập khoảng 22 triệu đồng/ha. Việc gắn bó vùng nguyên liệu với doanh nghiệp rõ ràng cho thấy chất lượng chè tốt, năng suất và thu nhập được nâng lên.
Trước đây dù có muốn đầu tư phân bón thì bà con cũng không thể trở đến ruộng do đường sản xuất đi lại khó khăn. Nhiều nơi phải đi bộ hết 1 đến 2 tiếng đồng hồ thì mới đến ruộng. Thật bất ngờ khi giờ đây, người dân xã Bản Bo, huyện Tam Đường đã sẵn sàng kiến nghị chưa làm đường bê tông ở bản, mà đổ bê tông từ nhà đến đồng ruộng trước để thuẩn tiện cho việc sản xuất. Đây là tư duy rất mới của bà con, không còn trông chờ, ỷ lại và gắn bó với đồng ruộng, say sưa sản xuất, chăm sóc cây trồng cho năng suất cao, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Cùng với đó, các công ty, doanh nghiệp đã tập trung đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ như: Dây chuyền chế biến chè Olong, dây chuyền chế biến chè Sencha, máy tách mầu chè, đầu tư gia công hệ thống băng tải chuyển chè bán tự động khép kín cho dây chuyền chế biến chè xanh khu vực máy vò, máy sấy... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè chế biến và đáp ứng theo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung sản xuất đa dạng các loại sản phẩm chè cao cấp... Nhờ vậy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi nên đưa giá thành thu mua chè búp tươi tăng, thúc đẩy người sản xuất tăng cường đầu tư thâm canh để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Nhờ vậy, năng suất chè tăng từ 60 tạ/ha (năm 2010) lên 85,3 tạ/ha (ước năm 2014) và sản lượng năm 2014 ước đạt 20.600 tấn/năm (tăng 3.370 tấn so với năm 2010); giá chè búp tươi bình quân năm 2014 ước đạt 5.800 đồng/kg (tăng so với năm 2010 là 1.600 đồng/kg); giá bán chè khô bình quân năm 2014 ước đạt 39.000 đồng/kg, (tăng 11.000 đồng/kg so với năm 2010).
Đứng từ khía cạnh người nông dân có thể khẳng định với vốn đầu tư không cao, hiệu quả đem lại trông thấy, vòng đời dài khoảng 50 năm một chu kỳ gần bằng một đời người thì việc đầu tư cho cây chè đã thực sự trở thành một “bài thuốc” hữu hiệu chữa bệnh đói nghèo. Không chỉ vậy, nhờ những lợi nhuận thu được, bà con nghèo nay không còn muốn “nghèo mãi” để trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước mà vươn lên thoát nghèo.
Bàn về tìm hướng thị trường cho cây chè, đồng chí Hà Văn Um, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết: Tỉnh ta cây chè chưa được mở rộng vì đầu ra không ổn định. Chưa vào được thị trường khó tính như Đông Âu, Nhật Bản vì yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe. Các doanh nghiệp sản xuất chè trong tỉnh mới chỉ xuất vào một số thị trường dễ tính là Trung Quốc, Pakistan, Trung Đông… Nhà nước đã tạo cơ chế và định hướng, thì chính những công ty, doanh nghiệp phải tìm đầu ra cho sản phẩm của mình”.
Cùng với việc cải tiến dây chuyền, công nghệ và mẫu mã nhằm nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới hình thức, thì các công ty, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường tiêu thụ, đặc biệt là quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm... Có như vậy, sản phẩm chè của tỉnh mới có cơ hội để thâm nhập vào thị trường khó tính hơn và vươn ra nhiều nước trên thế giới./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế